(kontumtv.vn) – Chiến tranh đã đi qua hơn 46 năm, nhưng nỗi đau da cam/dioxin vẫn còn hiện hữu và đang đè nặng lên cuộc sống của nhiều gia đình. Nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở huyện Đăk Glei vẫn cố gắng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, trở thành tấm gương sáng trong cộng đồng.

Năm 1962, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông A Em ở thôn Đăk Ra, thị trấn Đăk Glei xung phong lên đường nhập ngũ. Trải qua nhiều trận chiến ác liệt, không may nhiễm chất độc da cam/dioxin khiến bệnh tật cứ dai dẳng theo ông suốt nhiều năm qua. Nhận thấy cứ an phận thì cuộc sống gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn, con cái sẽ khổ, nén nỗi đau, ông nỗ lực phát triển diện tích mì, bời lời. Được sự hỗ trợ về nguồn vốn của Hội NNCĐDC/dioxin huyện Đăk Glei, ông mua thêm bò giống để phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng phát triển ổn định, bình quân mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng. Ông A Em chia sẻ: “Tôi cũng cố gắng, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện bản thân, giúp đỡ, động viên con cháu làm việc. Bây giờ đã bị nhiễm chất độc như thế thì mình phải cố gắng vươn lên, cũng giống như người ta nhiễm da cam người ta còn làm được cái này, cái kia. Bây giờ có người họ què tay, què chân vẫn học được, vẫn làm được mà.

Đồng cảnh ngộ với ông A Em, ông A Dục ở thôn Măng Lon, xã Đăk Môn cũng không may nhiễm chất độc da cam/dioxin trong tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khó khăn chồng chất khó khăn khi chất độc ấy còn ảnh hưởng đến vợ và 3 người con của ông. Không chịu khuất phục trước khó khăn, ông cùng với các con vẫn cố gắng, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo. Chị Y Vẳn, con gái ông A Dục chia sẻ, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng không vì thế mà ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Gia đình vẫn cố gắng lao động, trồng mỳ, trồng bắp, tự ươm cây cà phê, tự trồng, tự chăm sóc, rồi làm thêm việc này, việc kia để kinh tế gia đình ổn định hơn. Ông A Bương, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin xã Đăk Môn cho biết thêm: “Hộ ông A Dục là rất cố gắng làm ăn, cố gắng làm ăn kinh tế . Đó là một sự nỗ lực lớn, không bao giờ bê tha này kia. Tuy rằng gia đình là có 4 người nhiễm chất độc da cam, bà mất rồi nhưng mà gia đình vẫn rất cố gắng.

Huyện Đăk Glei hiện có hơn 1.600 người tham gia kháng chiến nằm trong khu vực bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đồng hành với những NNCĐDC/dioxin, hơn 7 năm qua, các cấp Hội huyện Đăk Glei tích cực vận động mọi nguồn lực chung tay chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân. Đến nay có gần 770 nạn nhân được hưởng trợ cấp, 12 ngôi nhà từ thiện được xây dựng và gần 20 con bò cùng nguồn vốn vay hàng chục triệu đồng hỗ trợ cho các hộ nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông Nguyễn Văn Vững, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Đăk Glei cho hay: “Ngày 10/8, các ngày lễ, ngày Tết thì Hội NNCĐDC/dioxin huyện Đăk Glei đều tặng quà thăm hỏi các nạn nhân, thấp nhất là hai trăm nghìn đồng/người. Đến bây giờ thì nhà tạm bợ hết rồi. Hội cũng đã rà soát lại xem còn nhà nào xuống cấp thì Hội sẽ vận động để làm nhà cho họ.

Có thể thấy, nỗ lực vượt qua nỗi đau da cam, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống đã thể hiện ý chí, tinh thần kiên cường, tự lực vươn lên của các nạn nhân da cam/dioxin. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các cấp ngành, cộng đồng xã hội sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ các nạn nhân da cam phát triển kinh tế, giúp họ từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc./.

Đăng Huy – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *