(kontumtv.vn) – Việt Nam là đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Ngày nay, dù trong thời bình nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn còn đang hiện hữu, nhất là đối với gia đình những người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Với ý chí không trông chờ, ỷ lại, những người lính cụ Hồ năm xưa đã dần khắc phục những khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trên địa bàn huyện Đăk Hà hiện có hơn 370 hội viên Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, với gần 160 người trực tiếp tham gia kháng chiến. Thấu hiểu được những khó khăn, thiệt thòi của gia đình các nạn nhân, thời gian qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin luôn tạo điều kiện nâng cao đời sống cho các nạn nhân, cũng như chia sẻ khó khăn với gia đình đang nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ông Nguyễn Ngọc Tường, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đăk Hà cho biết: “Về phía các chính sách của Đảng, Nhà nước và đươc trợ cấp cho các đối tượng theo quy định thì hội huyện hàng năm xin chủ trương của huyện ủy, ủy ban vận động quỹ. Tuy rằng không được lớn nhưng ít nhiều lễ tết, ngày 10/8 được bù đắp phần quà cho nạn nhân, còn về chăm lo cho nạn nhân nói chung là huyện hội vẫn đáp ứng được.”

Gia đình ông Nguyễn Đăng Động ở tổ dân phố 7, thị trấn Đăk Hà là một trong những hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin nỗ lực vươn lên làm kinh tế. Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ nên ông bị phơi nhiễm, khi lập gia đình sinh con bị thiểu năng. Ông có con gái đầu năm nay đã 41 tuổi bị thiểu năng trí tuệ và thường xuyên đau ốm.  Khi làm nhà ông được hỗ trợ 15 triệu đồng, sau đó được hỗ trợ thêm một con bò giống, đến nay đã sinh sản được thêm 3 con. Qua sự hỗ trợ của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, gia đình ông có nguồn lực để phát triển kinh tế. Ông cho biết, giờ mong muốn của vợ chồng là có sức khỏe để lao động và chăm nom con cái.

Sau khi rời quân ngũ, năm 1985 ông Đặng Đình Xánh đưa vợ con từ tỉnh Thái Bình vào thôn Đoàn Kết, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà xây dựng kinh tế. Chỉ với hai bàn tay trắng, bản thân lại bị di chứng của chất độc da cam nhưng phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ, ông dần khắc phục những khó khăn, mạnh dạn chuyển đổi trồng cây cà phê, cây ăn quả. Qua đó, giúp gia đình vươn lên làm giàu, ông cũng có điều kiện để hết mình tham gia công tác mặt trận thôn Đoàn Kết. Ông Xánh chia sẻ: “Tham gia xây dựng gia đình sức khỏe của bản thân rất là yếu, sinh ra con cái thì hoàn cảnh nó cũng rất khó khăn. Một cháu bị dị tật, ốm đau rất là nhiều nên đời sống rất là khó khăn. Với ý chí nghị lực vươn lên đói nghèo, ý chí của bộ đội Cụ Hồ, và với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, từ đó vươn lên trong cuộc sống, đến giờ phút này đời sống ổn định.”

Không chỉ quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất cho hội viên, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đăk Hà còn chú trọng việc giải quyết chính sách, chế độ cho các đối tượng này. Huyện Đăk Hà hiện có khoảng 1.000 người nghi nhiễm chất độc hóa học. Trong đó, có gần 200 người đang hưởng chế độ theo quy định. Tuy nhiên, việc giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn còn nhiều trăn trở đối với Huyện hội. Ông Nguyễn Ngọc Tường, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đăk Hà cho biết: “Số hồ sơ tồn đọng như vậy là tạm dừng do kê khai chưa đủ theo quy định của bộ ngành. Phía huyện Đăk Hà rất mong các cấp, bộ, ngành tạo điều kiện khảo sát, điều tra, đặc biệt là các đối tượng tham gia kháng chiến nằm trong vùng bị rải chất độc hóa học để họ hưởng được chính sách đãi ngộ chung của nhà nước.”

Với các hoạt động ý nghĩa, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đăk Hà đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam. Nhờ đó, dẫu cuộc sống có khó khăn thì các nạn nhân da cam/dioxin vẫn vượt qua nỗi đau cả thể xác, tinh thần để lạc quan vươn lên trong cuộc sống. Chính họ là những tấm gương tiếp thêm nghị lực cho những người đồng cảnh ngộ và giúp ích cho cộng đồng./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *