(kontumtv.vn) – Xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei có hơn 440 hộ, gần 100% hộ là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Hiện đồng bào Giẻ Triêng nơi đây còn lưu giữ nhiều hủ tục, phong tục lạc hậu gây ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần. Vì vậy, Huyện ủy Đăk Glei đã chỉ đạo Đảng ủy xã Đăk Plô tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, từng bước xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu.

Hiện đồng bào dân tộc Giẻ Triêng ở xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei còn giữ một số hủ tục, phong tục lạc hậu cần xóa bỏ, gồm, tục cõng củi, nghĩa là trong đám hỏi, đám cưới nhà gái cõng 100 bó củi hoặc nhiều hơn cho nhà trai và nhà trai trả lễ bằng cách mổ trâu hoặc bò, heo cho nhà gái; tục ốm đau dài ngày không khỏi nhờ đến thầy cúng, thầy mo, do người dân quan niệm có người bỏ bùa hay đàn gia cầm, gia súc nuôi trong gia đình gây ra nên làm thịt ăn hoặc bán đi và tìm đến thầy cúng, thầy mo để chữa bệnh; tục người đột tử không chôn cất, nghĩa là người chết do tai nạn giao thông, đuối nước, tự tử, sét đánh thì bà con hàng xóm kiêng không đến chia buồn gia đình; tục kiêng kị khi kho lúa của gia đình nào đó trong thôn có dê, chó mèo của gia đình khác kể cả của gia đình người thân chết hoặc đẻ trong kho thì chủ của gia súc đó phải đổi lại số lúa khác tương đương với số lúa trong kho của chủ kho và được sử dụng lúa cũ trước đó. Anh A Thái ở thôn Pêng Lang, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei cho hay: “Hủ tục ở đây thì ông cụ bà cụ vẫn còn, đau ốm cũng mê tín kiểu đó. Con cái bây giờ một số đâu có theo, đau ốm đến trạm lấy thuốc về uống thôi.

Các hủ tục, phong tục lạc hậu này không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân mà còn gây tốn kém, lãng phí, mất vệ sinh môi trường. Để kịp thời xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu, Huyện ủy Đăk Glei đã chỉ đạo Đảng ủy xã Đăk Plô xây dựng kế hoạch và chỉ đạo cả hệ thống chính trị xã vào cuộc. Bà Y Nghệ, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei cho biết, xã chỉ đạo cho tất cả đảng viên, già làng, thôn trưởng và người có uy tín phát huy vai trò gương mẫu, không được thực hiện các hủ tục, phong tục lạc hậu và tăng cường công tác tuyên tuyền, vận động người dân, nhất là những người cao tuổi, bởi các hủ tục phần lớn do chính những người cao tuổi này còn giữ và thực hiện.

Đồng thời, Đảng ủy xã Đăk Plô đã phối hợp với Đồn Biên phòng Đăk Blô tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp tại các cuộc họp thôn và đến từng nhà tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phân tích rõ tác hại của các hủ tục, vận động Nhân dân từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với đời sống hiện tại. Bà Y Xanh, Bí thư Chi bộ thôn Bung Kon, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei chia sẻ: “Tuyên truyền cho dân là không được dùng cúng bái như ngày xưa, không được đẻ ngoài rừng, bây giờ đẻ thì phải đi trạm xá đẻ; chó chết trong nhà, hay chết trong kho không cúng bái như ngày xưa nữa.”

Trung úy A Thuộc, nhân viên Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Đăk Blô cho biết qua các buổi tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu, bà con đã lắng nghe và có sự thay đổi. Sau tuyên truyền, Đội vận đồng quần chúng sẽ đến từng hộ gia đình khảo sát xem bà con đã thay đổi như thế nào. Đối với người già còn giữ tư tưởng cổ hủ thì tiếp tục đến nhiều lần tuyên truyền để cho họ hiểu.

Chính những hủ tục, phong tục lạc hậu này là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, do người dân tốn nhiều chi phí và thời gian khi thực hiện các hủ tục, phong tục lạc hậu. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Đăk Plô chỉ mới đạt hơn 24 triệu đồng và toàn xã hiện còn hơn 15% hộ nghèo. Vì vậy, Đảng ủy xã Đăk Plô quyết tâm đến năm 2025 giảm được trên 80% các hủ tục, phong tục lạc hậu trên địa bàn xã, để người xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, người dân an tâm chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống./.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *