(kontumtv.vn) – Chức năng cơ bản của văn học, nghệ thuật là gắn liền với việc xây dựng nhân cách con người, nhưng nhiều tác phẩm đã gây ra hiện tượng kích động bạo lực.

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện có kết quả mục tiêu: Xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tố quốc”.

Phóng viên VOV.VN có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh Chủ tịch Hôi đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương về vai trò của Văn học nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người.

xay dung nhan cach con nguoi: su menh cua van hoc, nghe thuat hinh 0
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh Chủ tịch Hôi đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

PV: Xin ông cho biết vai trò của Văn học nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người?

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh: Chúng ta biết rằng, giáo dục là một chức năng cơ bản của văn học, nghệ thuật. Xưa cũng như nay, trong lịch sử văn hóa nhân loại cũng như lịch sử văn hóa Việt Nam, việc xây dựng nhân cách con người, xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp, đấu tranh chống lại cái giả dối, cái ác, cái thấp hèn, xấu xa trong đời sống xã hội, thường xuyên là bản chất truyền thống của văn học, nghệ thuật.

Từ ngàn năm xưa, ông cha ta đã khẳng định sứ mệnh cao quý của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng nhân cách, đạo lý, lẽ sống con người – nền tảng tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của công cuộc dựng nước và giữ nước. Vì vậy, luận đề “Văn dĩ tải đạo” (văn để chở đạo) luôn luôn là ý thức thường trực của các văn nghệ sĩ chân chính. Những tác phẩm văn nghệ lớn, có giá trị trường tồn đều là những tác phẩm gắn với vận mệnh nhân loại, vận mệnh dân tộc, vận mệnh con người với giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc.

PV: Thưa ông, trong giai đoạn hiện nay, có phải một phần do các tác phẩm phản ánh mặt tối của xã hội một cách cực đoan dẫn đến những tác động tiêu cực ở một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ ngày càng đáng báo động?

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh:  Vai trò, trách nhiệm của người sáng tạo văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay, chúng ta cần thấu suốt hơn thiên chức cao quý của những người nghệ sĩ – chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng; do vậy không khỏi trăn trở, suy nghĩ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình trước thực trạng xuống cấp của nhân cách, đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vẻ vang của mình, văn học nghệ thuật có những mặt làm chưa tốt. Mặt chưa tốt ấy tác động thêm vào những tiêu cực của xã hội. Chúng ta đều thấy rõ, một số tác giả chỉ chú ý đi vào miêu tả cái xấu, cái giả dối, cái thấp hèn trong 1 con người, trong một tập thể, trong một đơn vị cụ thể nào đó. Như những vụ án giết người man rợ gần đây ở Yên Bái, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Phước… Đó là chuyện có thật. Đấy là một điều hết sức lo ngại và đáng báo động. Thế nhưng nguyên nhân chủ quan là dùng một cái có thật ở những thời điểm có thật để khái quát toàn bộ xã hội chúng ta đều như vậy là không khách quan.

Bởi nếu văn học, nghệ thuật chỉ nói xã hội ta một mặt đen tối thì làm sao chúng ta có những thành tựu mà trong văn kiện đại hội, khi lấy ý kiến của toàn Đảng, toàn dân đều nói 30 năm đổi mới đất nước vừa qua chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

PV: Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, Văn nghệ sĩ hiện chưa làm tròn trách nhiệm với nghệ thuật mà chạy theo đồng tiền?Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh: Bên cạnh mặt tích cực của cơ chế thị trường, còn có mặt trái tác động vào suy nghĩ và hành động của một số văn nghệ sĩ, do thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, do không xác định được trách nhiệm của mình đối với đất nước và dân tộc, cho nên có những biểu hiện tha hóa, chạy theo lợi nhuận, chạy theo thị hiếu tầm thường, thấp kém.

Đặc biệt là chúng ta rất đau lòng khi một nền văn hóa, văn nghệ rất đa dạng, phong phú nhưng do chạy theo thị hiếu tầm thường của công chúng, đã vận dụng những lý thuyết, những phong cách biểu diễn có tính chất lai căng, ảnh hưởng trực tiếp đến thuần phong mỹ tục của dân tộc chúng ta, gây ra sự bất bình của đông đảo công chúng khán giả.  Biểu diễn trên sân khấu là hò hét, lố lăng, ăn mặc hở hang, những bộ phim kinh dị nặng về mô tả tình dục, tình ái, đề cao văn hóa sex… gây bất bình cho công chúng. Đây là một điều đáng báo động nếu chúng ta không ngăn chặn kịp thời.

PV: Theo ông cần có những giải pháp như thế nào để phát triển nền văn học, nghệ thuật gắn với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam?

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh: Con người vừa là trung tâm, vừa là động lực phát triển đất nước, nhưng đồng thời vừa là chủ thể sáng tạo ra tất cả các giá trị vật chất và tinh thần của xã hội chúng ta. Nếu những con người ấy, chúng ta không tập trung nêu lên các tiêu chí cụ thể nhân cách của họ cần có để đảm đương và hướng vào mục tiêu phát triển bền vững đất nước, thì coi như không có tính chất hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cộng đồng, trường học cụ thể hơn dựa theo những tiêu chí mà nghị quyết đã nêu ra.

Trong nghị quyết 33, có nói nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của văn hóa, văn học nghệ thuật là chăm lo xây dựng nhân cách con người. Nhân cách con người, một đoạn của nghị quyết có viết 7 đặc tính cơ bản của con người Việt Nam là: “Yêu nước, tự hào dân tộc, sống nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Đó là tiêu chí của những con người Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập. Nhưng văn học, nghệ thuật phải góp sức vào đây khắc họa rõ 7 đặc tính ấy thể hiện trong từng lĩnh vực, từng địa phương, trong từng ngành.

Đảng và Nhà nước ta phải thể chế hóa bằng cơ chế, chính sách, để Văn nghệ sĩ có thể sáng tác được, phác họa được đúng bức tranh bản chất của xã hội, tạo điều kiện cho họ tiếp cận, đi sâu vào thực tiễn đời sống. Đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước.

Bằng cơ chế, chính sách, trước hết, phải tạo điều kiện sống cho Văn nghệ sĩ sáng tác, có những tác phẩm hay, khuyến khích động viên xứng đáng những người có tác phẩm tốt để đời, được công chúng trân trọng. Điều này chúng ta đã làm nhưng chưa tốt.

PV: Hiện nay tình trạng tiếp thu dễ dãi văn hóa nước ngoài đang diễn ra trong đời sống của xã hội Việt Nam. Theo ông cần phải có những biện pháp gì để ngăn chặn thực trạng này?

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh: Văn nghệ sĩ cần đề cao tinh thần trách nhiệm, biết cái đó là dở, 1 vở kịch, 1 điệu múa, 1 tác phẩm … thì phải loại bỏ ngay, cần dứt khoát nói không với hiện tượng ăn mặc hở hang, kinh dị, những bộ phim “nóng, những cảnh giật gân câu khách…thì sẽ hạn chế được những sản phẩm độc hại từ văn hóa bên ngoài.

Trách nhiệm của các cơ quan chức năng, phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, không để những sản văn hóa phẩm độc hại. Đặc biệt ngày nay có hiện tượng toàn cầu hóa, nhưng cũng có hiện tượng xâm lăng văn hóa.

Tại sao bây giờ người ta chiếu nhiều phim nước ngoài nhiều thế, phim lịch sử Trung Quốc, giới trẻ xem và hiểu còn hơn lịch sử Việt Nam… Phải suy nghĩ nghiêm túc. Phải chăng các nhà sáng tác chưa đi sâu vào đề tài lịch sử, cách mạng, kháng chiến chưa có sức hấp dẫn. Ngoài ra trong các văn bản chỉ đạo, chưa thực sự quan tâm hướng cho Văn nghệ sĩ đi vào văn hóa dân tộc, lịch sử dân tộc./.

Lê Vũ-Hà Phương/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *