(kontumtv.vn) – Theo ý kiến các chuyên gia, nếu đã đưa pháp nhân ra xử lý hình sự, thì phải ‘lôi cổ’ được các cá nhân vi phạm trong pháp nhân đó ra chịu tội.

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) đang là vấn đề rất nhiều tranh cãi, với nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này quy định TNHS của pháp nhân là cần thiết và phù hợp với thực tiễn, bởi nền kinh tế – xã hội nước ta đang phát triển mạnh mẽ, sự phát triển của nền kinh tế thì trường đã thúc đẩy các pháp nhân, đặc biệt là các pháp nhân hoạt động kinh doanh được thành lập và hoạt động ngày càng nhiều, đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước.

Phải bứt ra được tư duy về lỗi

GS.TS Lê Hồng Hạnh, nguyên viện trưởng viện khoa học pháp lý ( Bộ Tư pháp) cho rằng, muốn áp dụng trách nhiệm hình của pháp nhân, chúng ta phải bứt ra được tư duy về lỗi. Hiện nay mọi người vẫn hiểu lỗi chỉ có ở các thể nhân. “Mọi người thường chỉ ra lỗi cụ thể của cá nhân, còn pháp nhân thì không thể có lỗi được. Vì thế trách nhiệm hình sự của pháp nhân không thể thực hiện được vì không xác định được lỗi. Cách hiểu này cần phải thay đổi, không chỉ thay đổi ở những người soạn thảo Bộ luật này mà cả ở những người thực thi và người dân bình thường. Làm thế nào mọi người hiểu được trách nhân vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự vì lỗi của pháp nhân cũng có thể xác định được”.

GS.TS Lê Hồng Hạnh cũng cho rằng, mọi tổ chức, cá nhân đều phải bình đẳng trước pháp luật, vì thế không thể quy định xử lý trách nhiệm hình sự chủ yếu dồn vào pháp nhân kinh tế, như vậy nó sẽ mâu thuẫn với chính quy định trong dự thảo luật là pháp nhân bình đẳng trước pháp luật và không hài hòa và phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng thế giới.
xu ly hinh su phap nhan, phai ‘loi co' duoc ca nhan chiu toi hinh 0
GS.TS Lê Hồng Hạnh

“Trách nhiệm pháp nhân quy định chung nhưng khi áp dụng chúng ta phải có những tiêu chí để có thể làm sao những pháp nhân mang tính đặc thù không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong phát triển kinh tế vô cùng năng động và chính những doanh nghiệp năng động bét ra khỏi được những rào cản. Nếu không có sự bứt phá này kinh tế sẽ không phát triển. Do đó ở chừng mực nào đó, chúng ta không nên và không được pháp cản trở những động lực đó của doanh nghiệp”- GS.TS Lê Hồng Hạnh nói.

Ông Lương Phan Cừ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, về xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, không nên ‘nhắm” vào các tổ chức kinh tế.

“Chúng ta đang khuyến khích phát triển kinh tế, đang khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra sản phẩn nhiều, sao lại “đánh” thêm một gậy thì họ sập à? Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển. Cho nên khi đưa quy định này vào luật phải nghiên cứu rất kỹ trong bối cảnh của nước ta hiện nay”- ông Lương Phan Cừ nói.

Xử lý hình sự pháp nhân, phải ‘lôi cổ” cá nhân chịu tội

Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhiều ý kiến lại cho rằng, không nêu quy định như trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bởi hiện nay, chúng ta đã có các chế tài xử phạt vi phạm hành chính, hoặc cơ chế đòi bồi thường thiệt hại trong tố tụng dân sự, kinh tế để xử lý các pháp nhân vi phạm. Cùng với đó, theo quan niệm truyền thống lập pháp hình sự chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân có hành vi phạm tội. Việc quy định TNHS của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự sẽ không phù hợp với quan niệm truyền thống về khoa học luật hình sự của Việt Nam là chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân…

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, không nên hình sự hóa đối với vi phạm của pháp nhân. “Pháp nhân là một khái niệm trìu tượng chúng ta đặt ra chứ không phải là con người.  Khi mang roi đánh hoặc tử hình cả nghìn lần một cái bóng thì không tác dụng gì cả. Vì thế trước khi xử phạt pháp nhân, phải chỉ ra được con người cụ thể nào gây ra lỗi đó. Phân vai trong chuyện này phải rõ ràng”.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đăng Dung, khi đưa ra xử phạt pháp nhân, nhiều khi tạo điều kiện cho cá nhân thoát tội, nếu như vậy không phải là mục đích của tội danh hình phạt. Vì thế, phạt pháp nhân tốt nhân là tạm đình chỉ, tước bỏ giấy phép hoặc giải tán pháp nhân. Đó là một công việc rất hành chính, không cần đến hình sự. “Không phải phạt hình sự mà tình trạng pháp nhân vi phạm giảm, mà tội của pháp nhân chính là do tội của nhiều người cộng lại. Có phải khi không phạt được người đứng đầu pháp nhân nên chúng ta đưa pháp nhân ra chịu tội?”.

 “Nếu đã đưa pháp nhân ra xử lý hình sự, thì phải ‘lôi cổ’ được các cá nhân vi phạm trong pháp nhân đó ra chịu tội. Vì đó là tội phạm có tổ chức, tội của các cá nhân còn nặng hơn cả pháp nhân. Vấn đề tội phạm phải nhìn ra được và phải không được quy kết hóa và không sử dụng tính chất bắc cầu. Vì thế khi quy tội pháp nhân lại quy sang tội của cá nhân thì sự bắc cầu đó là không nên”- Tiến sỹ Nguyễn Đăng Dung nhấn mạnh.

xu ly hinh su phap nhan, phai ‘loi co' duoc ca nhan chiu toi hinh 1
Ông Lương Phan Cừ

Cũng đồng ý với quan điểm của Tiến sỹ Nguyễn Đăng Dung, ông Lương Phan Cừ cho rằng, khi xử lý trách nhiệm của pháp nhân, phải biết rõ các bộ phận trong pháp nhân đó, chẳng hạn như Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc… Những đối tượng này đều có thể chỉ đích danh được. Ai ký văn bản nào thì anh phải chịu trách nhiệm về văn bản đó.

“Tất nhiên các nước quy định về vấn đề này trong Luật Hình sự, chúng ta không thể đứng ở ngoài nhưng phải nghiên cứu thật kỹ khi đưa vào Bộ luật vì chúng ta có nhiều biện pháp nhưng không áp dụng. Ví dụ như trong luật thuế phạt sai phạm gấp 10-20 lần, thậm chí nhiều hơn nữa như không áp dụng; hay vấn đề phạt đóng bảo hiểm xã hội cũng có thể làm được nhưng không áp dụng… Có phải trong quản lý còn có yếu kém, tiêu cực nên không xử lý được, đẩy vấn đề từ luật khác sang luật hình sự? Những người làm đầu tư họ đi trước, đi trước mới phát triển được, chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm, từ khoán 10, khoán ba lợi ích rồi bỏ tem phiếu…”- ông Cừ nói.

Ông Cừ cũng lo ngại khi xử lý hình sự pháp nhân thì kéo theo nhiều hậu quả xã hội, như hàng vạn công nhân mất việc làm, ảnh hưởng đến an ninh xã hội và nhiều vấn đề khác nảy sinh. Cho nên phải thực sự cân nhắc trước khi đưa vấn đề xử lý hình sự pháp nhân vào trong luật./.

Minh Hòa/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *