(kontumtv.vn) – Sáng 5/9, 426 đơn vị trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum từ khu vực thuận lợi đến vùng sâu, vùng xa đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới.

Năm học này toàn tỉnh có trên 11.120 giáo viên, 154.800 học sinh ở các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. So với năm học trước, giảm 135 giáo viên, tăng 3 đơn vị trường và tăng khoảng 4.000 học sinh. Số đơn vị trường tăng là do thành lập mới các trường mầm non dân lập và mầm non tư thục.

Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục và các địa phương đã đầu tư   gần 163 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, nhà vệ sinh trường học, hệ thống cung cấp nước, sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh, thiết bị giảng dạy cho giáo viên. Bên cạnh đó, bằng nguồn xã hội hóa, các địa phương đã có nhiều hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa quần áo, sách vở, cặp bút, giúp các em an tâm đến trường trong năm học mới. Nhờ vậy, 100% học sinh trong toàn tỉnh có đủ sách, vở, đồ dùng học tập đến trường trong năm học mới.

Lễ khai giảng năm học mới
Lễ khai giảng năm học mới

Năm học 2018-2019 ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tâm như quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo theo hướng tinh giản về số lượng và nâng cao chất lượng; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông gắn với đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục.

Khai giảng năm học mới tại huyện Ngọc Hồi

Năm học 2018 – 2019, huyện Ngọc Hồi có trên 16.400 học sinh thuộc 40 trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên được huy động ra lớp tham gia học tập, tăng trên 500 em so với năm học trước. Trong đó, riêng học sinh 6 tuổi vào lớp 1 tăng trên 300 em, với tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 100%. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngay trong dịp hè, huyện Ngọc Hồi đã đầu tư xây mới và sửa chữa 26 phòng học, 5 công trình nhà vệ sinh, 2 công trình nước sạch và 6 công trình phụ trợ khác, với tổng kinh phí trên 6,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện.

Ngoài ra, nhiều trường học trên địa bàn huyện đã chủ động huy động các nguồn xã hội hoá giáo dục để bê tông hóa sân trường, cải tạo hệ thống điện và một số công trình phụ trợ, tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học trong năm học mới. Đến nay, huyện Ngọc Hồi đã có 19 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 3 trường đạt chuẩn mức độ 2.

Khai giảng năm học mới tại huyện Sa Thầy

48 trường học trên địa bàn huyện Sa Thầy đã tổ chức khai giảng năm học mới 2018 – 2019. Năm học này, huyện Sa Thầy huy động gần 15.000 học sinh tại bốn cấp học ra lớp. Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa phòng học, phòng bộ môn và các công trình khác; chỉ đạo các trường cân đối ngân sách và nguồn xã hội hóa giáo dục tiến hành sửa chữa hư hỏng nhỏ, mua sắm, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác dạy học; tiếp nhận và cấp phát hơn 55.000 cuốn vở, đồ dùng học tập, hàng trăm suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng ĐBDTTS nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường. Với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện bám sát 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành, gắn với thực hiện sáng tạo phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; Thực hiện tốt việc đổi mới chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông. Trong đó chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục học sinh theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm công dân của học sinh đối với cộng đồng, xã hội. Đồng thời tiếp tục duy trì kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, xây dựng các trường chất lượng cao của huyện giai đoạn 2016-2020, gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Huyện Kon Rẫy khai giảng năm học mới

Tại 29 đơn vị trường học tại huyện Kon Rẫy đã tổ chức khai giảng năm học mới. Năm học này, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Rẫy có 333 lớp với hơn 8.300 học sinh, từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông; tăng hơn 400 học sinh so với năm học trước.

Nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất cho năm học mới, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã đầu tư xây dựng 17 công trình vệ sinh nước sạch và xây dựng 13 phòng học, với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành còn trang bị 02 phòng máy vi tính cho  Trường Trung hoc cở sở Đăk Tờ Re và Trường PTDTBT-THCS xã Đăk Pne.

Hiện Kon Rẫy có 7 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2018-2019 phấn đấu có thêm 02 trường đạt chuẩn quốc gia là Trường Tiểu học thị trấn Đăk Rve và Trường Mầm non Bình Minh. Khó khăn lớn lớn nhất của ngành Giáo dục huyện Kon Rẫy là năm học này thiếu khoảng 40 giáo viên ở bậc mầm non và tiểu học để thực hiện dạy 2 buổi/ngày theo quy định.

Nhân dịp này, huyện Kon Rẫy có hơn 600 lượt học sinh có tinh thần vượt khó và học giỏi trong năm học 2017-2018 được các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trên địa bàn và Quỹ Khuyến học, Quỹ Bảo trợ trẻ em của tỉnh, huyện tặng quà và trao học bổng.

Thành phố Kon Tum khai giảng năm học mới

Năm học này thành phố Kon Tum có 83 trường, 1.216 lớp, gần 37.000 học sinh. Trong đó bậc mầm non gần 10.600 em, bậc tiểu học 16.300 em, bậc THCS  hơn 10.000 em; có hơn 2.390 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó biên chế công lập gần 1.850 người; cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn và trên chuẩn là 99,99%. Thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa trường lớp, giếng nước, nhà vệ sinh tại các trường học và trang bị cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, năm học 2018-2019 ngành Giáo dục thành phố đẩy mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, xây dựng văn hóa học đường và môi trường giáo dục nhà trường lành mạnh, tăng cường kỷ cương trường học, xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực. Năm học này thành phố Kon Tum tiếp tục phấn đấu xây dựng và đề nghị công nhận thêm 02 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng số trường đạt chuẩn lên 35 trường đảm bảo theo lộ trình đề ra.

Khai giảng năm học mới tại huyện Đăk Glei

Trong năm học 2018 – 2019, huyện Đăk Glei có gần 12.770 học sinh ra lớp; trong đó bậc học mầm non có gần 3.680 cháu, tiểu học có 5.750 học sinh và trung học cơ sở có 3.340 học sinh, tăng gần 430 học sinh so với năm học trước. Huyện có 38 trường, 931 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Mặc dù thời gian qua trên địa bàn huyện thời tiết khắc nghiệt, mưa bão kéo dài gây khó khăn cho công tác chuẩn bị năm học mới, nhưng với quyết tâm cao ngay trong kỳ nghỉ hè, các trường học vùng sâu, vùng xa như Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp, Đăk Choong, Đăk Blô, Đăk Long  đã khắc phục mọi khó khăn, đầu tư nâng cấp, sửa chữa phòng học bị ảnh hưởng của mưa bão; mua sắm các trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của các đơn vị trường học trên địa bàn huyện.

Ngay sau lễ khai giảng năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Glei đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn huyện quản lý tốt các em học sinh, đổi mới phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học ngay từ đầu năm học.

Huyện Kon Plông khai giảng năm học mới

Hơn 7.160 học sinh huyện Kon Plông hân hoan bước vào năm học mới. Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới, huyện Kon Plông đã huy động nhiều nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, tu sửa trường lớp, với tổng kinh phí gần 16 tỷ đồng, kịp thời phục vụ năm học mới. Hiện nay, huyện có 480 phòng học, trong đó có 430 phòng kiên cố, 50 phòng bán kiên cố, đảm bảo đủ phòng học cho học sinh.

Ngành Giáo dục huyện đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ hơn 49.000 cuốn vở cho học sinh, huy động hơn 3.100 bộ sách giáo khoa của các học sinh năm trước để lại; mua 375 bộ sách giáo khoa, 396 bộ đồ dùng học tập, gần 10.500 cuốn vở cấp cho hơn 2.640 học sinh con hộ nghèo thuộc diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 86 của Chính phủ.

Năm học 2018-2019, 21 đơn vị trường học trực thuộc huyện tổ chức bán trú với tổng số hơn 2.100 học sinh. Việc thực hiện chế độ ăn bán trú bắt đầu từ ngày 16/8 từ nguồn gạo dự trữ. Để đảm bảo gạo ăn cho học sinh bán trú, các trường đã đăng ký nhu cầu gạo hỗ trợ trong tháng 9 và tháng 10/2018 với tổng số hơn 63 tấn.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường hiện có 724 người. Công tác bồi dưỡng chuyên môn được thực hiện đầy đủ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học mới 2018-2019.

Nhóm Phóng viên Thời sự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *