(kontumtv.vn) – Năm 2014 đã đi qua với không ít khó khăn, thử thách trong hoạt động của hệ thống ngân hàng do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới và những vấn đề đặt ra trong nước. Nhờ kiên trì giữ vững định hướng, đảm bảo thực hiện chính sách tín dụng phù hợp, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Kon Tum đã nỗ lực vững bước, đồng hành cùng sự phát triển, khẳng định mục tiêu “Mang phồn thịnh đến khách hàng”, góp phần thúc đẩy phát  triển nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế, đời sống, đảm bảo an sinh xã hội  tại địa bàn tỉnh.

Năm 2014 được xem là năm tiếp tục khó khăn, thử thách với hệ thống ngân hàng khi mà trong nước, ảnh hưởng khủng hoảng tài chính thế giới vẫn còn dai dẳng, khả năng hồi phục kinh tế chậm, lại thêm yêu cầu nghiêm túc thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công. Doanh nghiệp, người sản xuất không chỉ  phải đối mặt với bài toán lãi suất và nan giải tìm kiếm đầu ra sản phẩm, mà ngay trong hệ thống ngân hàng, sự cạnh tranh cũng diễn ra không kém gay go, quyết liệt để duy trì khả năng huy động vốn và khẳng định thị phần tín dụng…

Agribank Kon Tum
Agribank Kon Tum

Đứng chân tại địa bàn chủ yếu tập trung sản xuất nông nghiệp, Agribank huyện Đăk Tô là một trong số điểm sáng của Agribank Kon Tum. Năm 2014, thị phần huy động vốn tại địa bàn có sự canh tranh mạnh của các chi nhánh ngân hàng, song tổng vốn huy động của Chi nhánh vẫn đạt 356 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 14% so với năm 2013. Trong đó, tiền gửi dân cư chiếm 80% tổng nguồn huy động vốn, đạt 285 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với đầu năm … Tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ tại Chi nhánh đạt 614 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Trong đó, riêng lĩnh vực cho vay hộ sản xuất và cá nhân  đạt 426 tỷ đồng, chiếm 70% tổng dư nợ. Tại địa bàn huyện, Agribank Đăk Tô giữ vững thị phần huy động vốn chiếm 74%, thị phần đầu tư tín dụng chiếm 70%. Phát huy hiệu quả sử dụng vốn vay của khách hàng đã góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương trên 13%, nâng thu nhập bình quân đầu người lên trên 30 triệu đồng/ năm. Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Agribank  Đăk Tô cho biết: “Bên cạnh tăng trưởng thì Chi nhánh cũng quản lý được chất lượng tín dụng, đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu  dưới 1%. Về giải pháp tín dụng, nói chung trên địa bàn, tất cả  các xã, thị trấn đều có cán bộ tín dụng  ở địa bàn. Đặc biệt là  quan tâm phối hợp với các  cấp chính quyền  địa phương trong quá trình  xử lý nợ vay, quản lý vốn vay , đặc biệt là các chương trình cho vay theo chính sách của Nhà nước như cho  vay theo Nghị định 41, cho vay theo Quyết định 68 của Chính phủ”.

Với mạng lưới hoạt động rộng khắp tại các huyện, thành phố trên địa bàn, nhờ duy trì các giải pháp tín dụng linh hoạt và hợp lý, đến cuối năm 2014, Agribank Kon Tum đã huy động nguồn vốn đạt trên 3.200 tỷ đồng, tăng 345 tỷ đồng, tăng 12% so với nguồn vốn huy động đầu năm. Tổng dư nợ đạt 5.500 tỷ đồng, tăng hơn 570 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng gần 12% so với đầu năm. Cơ cấu tín dụng được đảm bảo với dư nợ trung và dài hạn chiếm gần 50% dư nợ nội tệ thông thường. Trong đó, dư nợ trung hạn tăng 50%, dư nợ dài hạn tăng 18%. Trong năm 2014, Agribank Kon Tum quán triệt, triển khai nghiêm túc Nghị định 41 của Chính phủ về Chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Song song với đảm bảo thực hiện chính sách ưu tiên vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, là đầu tư tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp thu mua, chế biến hàng nông sản xuất khẩu. Đến cuối năm 2014, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank Kon Tum đã đạt gần 5.400 tỷ đồng, chiếm 98% tổng dư nợ.

Gần 20 năm định cư ở quê hương mới, vùng chiến trường xưa, gia đình ông  Trần Văn Tấn (thôn 5,  xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) đã nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà tạo dựng được cơ ngơi ổn định. Trồng rau, nuôi cá, nuôi heo …, lấy thu nhập ngắn ngày để  tạo thêm thu nhập dài ngày từ cà phê, cao su là hướng đi đã được khẳng định từ các hộ bà con biết chắt chiu, sử dụng hiệu quả đồng vốn. Ông Tấn nói; “ Nhờ vốn vay của ngân hàng, tạo điều kiện cho bố con tôi làm kinh tế, đến nay, với khả năng phát triển, một vài năm nữa chúng tôi sẽ đủ điều kiện trả được vốn và phát triển bền vững”.

Trong bối cảnh không ít khó khăn, những doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực xây dựng vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, khó lường, được sự “ tiếp sức” của  Agribank đã tìm được lối ra hợp lý. Năm 2014, nỗ lực kết nối ngân hàng-doanh nghiệp được Agribank tăng cường đã tạo điều kiện cho Công ty TNHH Phước Hoa  giải quyết trở ngại về vốn, ổn định hoạt động với mức doanh thu khoảng 30 tỷ đồng từ các công trình được đảm nhận thi công. Ông Trần Công Phước, Giám đốc  Công ty TNHH Phước Hoa cho biết; “Vừa rồi Agribank có giúp vốn cho chúng tôi  khi đấu thầu, giúp cho đơn vị bảo lãnh, khi cần vốn Agribank sẵn sàng cung cấp nguồn vốn  cho chúng tôi làm những công trình  ở vùng sâu vùng xa và ở thành phố. Agribank bao giờ cũng tạo điều kiện lãi suất thấp hơn”.

Song song với công tác tín dụng, thời gian qua, hoạt động dịch vụ ngân hàng của hệ thống Agribank tại địa bàn tỉnh Kon Tum cũng  từng bước phát triển, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thuận lợi, tiện ích. Hướng đến sự hài lòng của khách hàng, thời gian qua, hoạt động chủ yếu  từ dịch vụ thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế và nhóm dịch vụ thẻ … tại các chi nhánh, phòng giao dịch của Agriabank Kon Tum đã được phát triển đồng bộ. Trong bối cảnh cạnh tranh, tổng số thẻ thanh toán được phát hành  tính đến cuối năm 2014  đã đạt xấp xỉ 90.600 thẻ, tăng trên 16.700 thẻ so với đầu năm, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, trên 48.300 thẻ còn hoạt động, tăng gần 10% .

Tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện phân loại nợ gắn với tích cực xử lý thu hồi nợ xấu, nợ tồn đọng, nợ đã được xử lý  rủi ro, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro tín dụng theo quy định… Đó, là những nỗ lực đã được Agribank Kon Tum tập trung tăng cường, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần duy trì đà tăng trưởng. Tuy vậy, bước vào năm 2015, Chi nhánh vẫn đứng trước không ít khó khăn do tình hình giá cả nông sản giảm thấp chậm được khắc phục, hàng hóa tiêu thụ chậm, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, chậm thu hồi công nợ… Chương trình cho vay theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ, cho vay tái canh cây cà phê đã được triển khai nhưng kết quả dư nợ còn hạn chế, số khách hàng vay chưa nhiều. Tính đến cuối năm 2014, Agribank Kon Tum còn gần 40 tỷ đồng nợ quá hạn, giảm gần  một nửa so với tổng nợ  xấu đầu năm, góp phần hạ tỷ lệ nợ xấu xuống còn 0,7% tổng dư nợ. Tuy vậy, để tiếp tục thực hiện mục tiêu  giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững, yêu cầu trong năm 2015 công tác này là không thể xem nhẹ. Đó cũng chính là cơ sở để trong năm cuối của kế hoạch Nhà nước 5 năm (2011-2015), Chi nhánh phấn đấu thực hiện mục tiêu duy trì tăng trưởng nguồn vốn ở mức trên 6,7%, tăng dư nợ gần 13%, tiếp tục giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% trên tổng dư nợ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2015 đã đến với những tín hiệu khả quan trong lĩnh vực tín dụng- tiền tệ theo yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế đất nước. Nỗ lực khắc phục khó khăn, đảm bảo định hướng hoạt động chính là cơ sở để Agribank Kon Tum cùng với hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục duy trì khả năng ổn định và phát triển, khơi thông nguồn vốn phục vụ các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo động lực xây dựng nông thôn mới, không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống  của người dân.

                                                                                 Nghĩa Hà – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *