(kontumtv.vn) – Là một trong những làng đồng bào dân tộc thiểu số được hình thành đầu tiên trên địa bàn thành phố Kon Tum, làng Plei Rơ Hai 1, phường Lê Lợi vẫn đang bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hóa lịch sử cổ xưa. Những di sản vật thể này đã minh chứng cho những truyền thống, nét đẹp văn hóa của người  Ba Na từ xưa đến nay.

Ông A Nun cho biết, bộ cồng chiêng của gia đình do ông bà nội của ông dùng rất nhiều trâu, bò để mua, sau khi ông bà mất thì để lại cho ông. Đây là báu vật của gia đình. Bộ chiêng cổ này có tên gọi là Chênh Brông, gồm 15 chiếc từ nhỏ đến lớn, trong đó có 3 chiếc cồng và 12 chiếc chiêng. Mỗi chiếc cồng, chiêng có âm thanh khác nhau khi đánh và khi phối hợp lại với nhau tạo nên âm điệu vừa trầm, vừa ngân vang. Ông A Num nói: “Bộ chiêng đây có từ ngày xưa, lâu đời rồi, nhưng nghe rất tốt, phát âm rất tốt, ai cũng thích chơi với nó, chiêng bây giờ không bằng nó”.

Bộ cồng chiêng
Bộ cồng chiêng cổ Chênh Brông của gia đình ông A Nun, làng Plei Rơ Hai 1

 Già làng A Chốt, làng Plei Rơ Hai 1 thì bảo: “Cái bộ chiêng đây là chiêng cổ, các cụ ông, cụ bà lớn tuổi hơn mình thường dùng khi đám chết, hai là các lễ lớn, lễ hội trong làng. Những người lớn tuổi thì muốn nghe bộ cồng chiêng như thế này”. Già làng A Chốt còn nói: “Nếu không có bộ cồng chiêng này thì không giữ được văn hóa dân tộc mình ngày xưa. Nếu nó mất đi, mấy đứa nhỏ không biết giá trị văn hóa cổ của dân tộc, của làng mình, cũng cảm ơn bên gia đình  ông A Nun đã giữ bộ cồng chiêng này”.

 Mặc dù bộ cồng chiêng đã hơn 100 năm tuổi nhưng còn rất nguyên vẹn, vì ông A Nun coi nó như một báu vật, cất giữ cẩn thận, thường xuyên lau chùi sạch sẽ.

Ngoài bộ chiêng cổ của gia đình ông A Nun, trong làng Plei Rơ Hai 1, phường Lê Lợi vẫn còn lưu giữ những ngôi nhà mang kiến trúc cổ xưa. Tiêu biểu trong số đó là ngôi nhà trên 50 năm tuổi của gia đình ông A Hiu. Ngôi nhà này vừa mang lối kiến trúc truyền thống của người Ba Na, vừa mang kiến trúc và cách làm nhà của người Bình Định, người Huế lên sinh sống tại Kon Tum. Ngôi nhà có tổng diện tích 168 m2, gồm 7 gian phòng chính với chất liệu chủ yếu bằng các loại gỗ thông dụng như cà chít, dầu và hương. Phần mái nhà được lợp bằng ngói vảy cá truyền thống của người Việt. Ông A Hiu kể: “Nhà tôi xây dựng 50 năm rồi, từ trước đến giờ còn nguyên vẹn, chưa tu sửa, xây dựng theo kiểu Ba Na, cửa ngõ, cửa chính làm bằng cây hương, kiểu lá sách của người Việt, lợp ngói, tường trét bằng rơm,cây gỗ và đất”.

Theo những người lớn tuổi trong thôn cho biết, làng Plei Rơ Hai 1 đã được hình thành từ rất lâu đời. Vào những năm 1927- 1929, người dân trong làng bắt đầu di cư từ bờ bắc sông Đăk Bla sang bờ nam sông Đăk Bla để ổn định đời sống. Với đất đai màu mỡ và nguồn nước dồi dào, cuộc sống từ ngày xưa đến nay của bà con chủ yếu phụ thuộc vào phần diện tích đất ô ven sông và nguồn lợi từ đánh bắt thủy sản trên sông Đăk Bla.

Không chỉ lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, ngày nay, chính quyền và nhân dân làng Plei Rơ Hai 1 đang rất tích cực phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau chung tay xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài các loại cây trồng truyền thống như lúa nước và cây sắn, trong làng đã phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, trong đó diện tích cao su trên 30 ha. Đời sống người dân có nhiều chuyển biến tích cực, số hộ nghèo giảm dần qua từng năm, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên trở thành hộ khá giàu. Ông A Trung, thôn trưởng Plei Rơ Hai 1 cho biết: “Dân trong làng cuộc sống đỡ khổ hơn ngày trước, bữa nay trong làng có nhiều ruộng rẫy hơn trước kia, đất ô thì đã trồng mía, trồng rẫy thì ngoài cây lương thực như mì còn có cây lâu năm như cao su, bời lời. Nói chung trong làng đã có sự phát triển kinh tế khá hơn rất nhiều”.

Có thể nói, trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của làng Plei Rơ Hai 1, những vật thể mang giá trị lịch sử như cồng chiêng, nhà sàn truyền thống không chỉ minh chứng về đời sống văn hóa tinh thần rất đặc trưng của người dân nơi đây, mà còn thể hiện tình cảm của người dân đối với quê hương, đất nước, quyết tâm bám làng, bám đất đánh đuổi thực dân, đế quốc xâm lược, xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *