(kontumtv.vn) – Sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao (từ ngày 20/10 đến 28/11/2014), kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, phân tích sâu sắc về tình hình năm 2014 và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 để có những quyết sách đúng đắn phát triển đất nước. Quốc hội ghi nhận những kết quả tích cực đạt được trong năm 2014: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi; việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế đạt được những kết quả bước đầu quan trọng; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả; các mặt công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, công tác tư pháp, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng…được tích cực triển khai. Các vị đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém: Kinh tế phục hồi chưa vững chắc, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm, xử lý nợ xấu chậm, nợ công tăng nhanh, tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, việc làm, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông, tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp và khá nghiêm trọng…

Quốc hội xác định và yêu cầu thực hiện mục tiêu tổng quát của năm 2015 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; triển khai quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; nâng cao hiệu quả đầu tư công, bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được Quốc hội xác định là một nội dung trọng tâm. Quốc hội đã thông qua 18 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy Nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, khoa học, công nghệ và môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở phân tích khách quan, toàn diện các mặt được và chưa được trong tổ chức thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Chính phủ, các ngành, các cấp cần tiếp tục triển khai trong năm 2015 và các năm tiếp theo để thực hiện thành công mục tiêu đã xác định.

Quốc hội đã xem xét Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7; tiến hành chất vấn 4 vị bộ trưởng; Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo, giải trình thêm về một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành trong tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay; đồng thời tiếp tục chất vấn, làm rõ trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực được đồng bào, cử tri cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Quốc hội đã ra Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, yêu cầu các thành viên Chính phủ thực hiện có kết quả những cam kết, những điều đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước; đồng thời Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp tiếp tục có giải pháp tích cực giải quyết 3.729 ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tham dự kỳ họp thứ 8 – Quốc hội khóa XIII với 06/06 vị đại biểu, do đồng chí Y Mửi – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn. Trong kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã hoạt động tích cực và tham gia đầy đủ các phiên làm việc của Quốc hội. Các ĐBQH trong Đoàn đã tập trung nghiên cứu, tham gia 35 lượt phát biểu với 148 ý kiến (26 lượt phát biểu tại Tổ, 9 lượt phát biểu tại Hội trường) về: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; Công tác thi hành án dân sự; Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; các dự án luật: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật An toàn vệ sinh lao động; Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Thú y; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi);…

Tại các Phiên chất vấn, ĐBQH tỉnh Kon Tum đã phát biểu tham gia 2 ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Tiến hành chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Công Thương (01 ý kiến) tại hội trường; chất vấn bằng văn bản (6 ý kiến) đối với các Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ nội vụ  về: Thực trạng đào tạo nghề cho lao động người dân tộc thiểu số theo Quyết định 1956 đạt thấp; công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về môi trường còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp; thực trạng và nguyên nhân của việc trốn thi hành án hình sự; tình hình nợ xấu của các ngân hàng; vấn đề nâng cao chất lượng trồng rừng và giá trị rừng sản xuất; công tác tái định cư ở vùng biên giới, vùng có thiên tai và vùng có các công trình thủy điện;… Ngoài ra, các đại biểu trong Đoàn là thành viên của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội đã tích cực tham gia các hoạt động do Hội đồng Dân tộc và Uỷ ban tổ chức.

CTV Hồ Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *