(kontumtv.vn) – Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực còn hạn chế, song thời gian qua, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh luôn nỗ lực nâng cao chất lượng khám và điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh. Các chương trình, đề án  trợ giúp, phục hồi chức năng cho người tàn tật cũng được đơn vị chú trọng triển khai, góp phần giúp người tàn tật trên địa bàn tỉnh có điều kiện  hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

Tháng 4 vừa qua, ông Hàn Xuân Nghĩa (06 Nguyễn Sinh Sắc, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) không may bị tai biến liệt nửa người. Sau hơn một tháng điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông đã chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng. Sau thời gian điều trị và kiên trì tập luyện tại Phòng Vận động trị liệu, giờ đây ông Nghĩa đã đi lại được. Những bước đi tuy còn khó khăn, nhưng với ông đây là một điều kỳ diệu. Ông Nghĩa nói: “Tôi bị tai biến, tôi vô đây tập có phát triển, tới bữa nay 5 tháng rồi, tôi tập dụng cụ, đã đi lại được”.

Trị liệu phục hồi chức năng
Trị liệu phục hồi chức năng

Là bệnh viện tuyến tỉnh đảm nhiệm công tác điều dưỡng và phục hồi chức năng, thời gian qua Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh  đã tập trung đầu tư trang thiết bị và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ để từng bước nâng cao hiệu quả điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh. Không chỉ chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tại đơn vị, Bệnh viện còn quan tâm thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án liên quan đến việc  củng cố và phát triển mạng lưới trợ giúp người tàn tật phục hồi chức năng được triển khai trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2009 đến nay, đơn vị đã triển khai thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển mạng lưới trợ giúp người tàn tật phục hồi chức năng giai đoạn 2008-2010 và định hướng đến năm 2015”. Đây là đề án có quy mô lớn nhằm tăng cường chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật, giúp người khuyết tật sớm hòa nhập với cộng đồng. Xác định rõ tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của hoạt động này, ngay từ khi triển khai Đề án, đơn vị đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên phục hồi chức năng ở các huyện, thành phố. Thông qua các lớp tập huấn, đội ngũ cộng tác viên được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản để phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng. Sau tập huấn, đội ngũ cộng tác viên đều có thể  tham gia luyện tập phục hồi chức năng cho người khuyết tật ngay tại nhà của họ trong khoảng thời gian 3 tháng theo yêu cầu của Đề án.

Cháu Đặng Phương Linh (8 tuổi, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) là một trong số 20 người khuyết tật được phục hồi chức năng tại nhà trong năm 2014. Trong những buổi tập, cộng tác viên đã hướng dẫn  những động tác cơ bản và bà ngoại của cháu cũng tích cực tham gia để tập luyện, phục hồi chức năng cho cháu. Qua quá trình tập luyện, cháu Phương Linh đã có những triển biến tốt trong vận động. Bà Dương Thị Tình, bà ngoại cháu Linh nói: “Trước đây người nó gồng miết, người nó gồng, nó cứng ôm nó cũng khó khăn lắm. Từ ngày tập đến nay thấy cháu nó cũng có tiến triển”.

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển mạng lưới trợ giúp người tàn tật phục hồi chức năng giai đoạn 2008-2010 và định hướng đến năm 2015”, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng đã  chú ý khám sàng lọc, xác định phân loại, đánh giá nhu cầu cần phẫu thuật và phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Trên cơ sở đó, Bệnh viện  ký kết hợp đồng với Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn để phẫu thuật chỉnh hình cho các đối tượng  khó khăn về vận động.

Nhờ triển khai có hiệu quả hoạt động giám sát người khuyết tật ở cộng đồng nên từ năm 2009 đến nay, mỗi năm có hàng chục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh được chỉnh hình phục hồi chức năng từ nguồn kinh phí của Đề án. Anh Nguyễn Ngọc Chút (122/2 Hùng Vương, thành phố Kon Tum) là một trong số 11 người khuyết tật đã được phẫu thuật chỉnh hình  tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn trong năm 2014. Phẫu thuật thành công, bàn tay anh Chút đã có khả năng vận động trở lại. Anh Chút phấn khởi: “ Nhờ bệnh viện cho đi Qui Nhơn mổ, trước khi mổ tay nó đơ không bóp vô bóp ra được, nhờ mổ cũng bớt nhiều”.

Tuy vậy hiện nay, quá trình triển khai thực hiện Đề án vẫn gặp những khó khăn nhất định. Bác sỹ CKI Đinh Văn Khuê, Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: “ Khó khăn thứ nhất là công tác phục hồi chức năng tại các huyện thực ra chưa được đầu tư quan tâm lắm, các trung tâm y tế huyện hầu như chưa thành lập được khoa vật lý trị liệu. Hiện nay chủ yếu là họ kết hợp vào khoa đông y và cũng chưa có cán bộ chuyên trách mảng phục hồi chức năng. Thứ 2 nữa là hiện nay vẫn thiếu cán bộ chuyên trách chuyên ngành về phục hồi chức năng, kể cả cán bộ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng”.

Ngoài ra, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao do cơ sở  vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Năm 2010, UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định phê duyệt dự án sửa chữa và mở rộng Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh. Tuy nhiên, cho đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai, làm ảnh hưởng không nhỏ  đến công tác chuyên môn của đơn vị. Trong khi, số lượng bệnh nhân có nhu cầu phục hồi chức năng ngày càng  gia tăng.

                                                           Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *