(kontumtv.vn) – Từ nhiều năm nay, song song với việc tận tình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, đội ngũ, y bác sỹ của Bệnh xá phong Đăk Kia còn chú trọng tổ chức các hoạt động nhằm trang bị cho bệnh nhân phong những kỹ năng, kiến thức để bản thân họ có thể tự chăm sóc mình. Việc làm này nhằm động viên người bệnh vượt qua sự tự ty, mặc cảm, vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Và trên hết, là giúp cho cộng đồng khu dân cư không còn kỳ thị với bệnh phong, từ đó bệnh nhân phong được quan tâm giúp đỡ nhiều hơn, từng bước được cải thiện cuộc sống.

Ông A Mrâu (thôn Đăk Kia, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) là một trong những bệnh nhân điều trị bệnh phong tại Bệnh xá phong Đăk Kia từ những năm đầu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay. Gần 40 năm điều trị bệnh tại đây, ông đã thấy sự đổi thay rõ nét về cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bệnh xá. Và điều làm cho ông cảm thấy vui hơn, đó là các y, bác sỹ ngày càng gần gũi, tận tình điều trị, chăm sóc những bệnh nhân phong, nhất là những người bệnh nặng như ông. Ông A Mrâu nói: “Tôi điều trị bệnh ở đây từ lúc tôi còn trẻ, hồi trước ở đây khó khăn lắm, các bác sỹ cũng ít. Giờ thì hơn trước nhiều, các y bác sỹ nhiều hơn và ai cũng vui vẻ. Sáng nào chúng tôi cũng đến đây để được chăm sóc vết thương. Trong ngày khi nào thấy đau, thấy mệt chúng tôi đến bác sỹ, y tá đều tận tình khám, cho thuốc và nói cho mình biết bị đau gì, bày mình biết cách để cho nhanh hết bệnh, nói chung là rất được”.

Chăm sóc bệnh nhân phong
Chăm sóc bệnh nhân phong

Cũng như  ông A Mrâu, bà Y Le đã điều trị bệnh ở Bệnh xá phong Đăk Kia hàng chục năm nay. Thời gian điều trị lâu dài đã giúp bà ngày càng hiểu và gần gũi, thân thiết hơn với các y, bác sỹ nơi đây. Bà Y Le cho biết: “Ngày nào đến đây bác sỹ cũng hỏi khỏe không, rồi ăn uống như thế nào. Khi nào đau quá mình không lên được là họ xuống nhà chăm sóc. Các bác sỹ còn bày cho mình phải làm thế nào để không bị bệnh nặng thêm, dặn dò mình đủ thứ. Bây giờ mỗi ngày đến đây mình không còn ngại vì ai cũng quan tâm mình”.

Tiền thân của Bệnh xá phong Đăk Kia là Khu điều trị phong có lịch sử hình thành gần 100 năm, là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị những người mắc bệnh phong ở các nơi trong tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Qua thời gian, Khu điều trị phong không ngừng được phát triển. Đặc biệt năm 2001 đã được nâng lên  thành Bệnh xá phong. Từ đó đến nay, Bệnh xá được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ y, bác sỹ đáp ứng nhu cầu cho công tác phòng, chống phong trên địa bàn tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có hơn 230 người mắc bệnh phong, trong đó có gần 200 người tàn tật độ II cần phải chăm sóc y tế thường xuyên và chăm sóc tàn tật. Chính vì vậy, ngoài việc điều trị, chăm sóc, 16 y, bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh xá phong luôn nỗ lực trong công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe để người bệnh hiểu được nguyên nhân tàn tật, nhất là tàn tật thứ phát để tránh được nguy cơ tàn tật nặng. Bác sỹ Ksor Thu, Phụ trách Bệnh xá phong Đăk Kia nói: “Chúng tôi đã vượt qua mọi khó khăn, đã đến từng nhà của người bệnh, đem đến cho họ tình cảm và những việc làm như chăm sóc các bàn chân, bàn tay lở loét, hướng dẫn vật lý trị liệu và hướng dẫn chăm sóc mắt. Chúng tôi tư vấn mọi thứ để cho họ nắm rõ bệnh tật. Đến nay một số bệnh nhân tàn tật nặng đã cải thiện một phần nào, còn các bệnh nhân tàn tật nhẹ thì không tiến triển nặng hơn thêm. Điều đó là niềm vui và hạnh phúc đối với chúng tôi, những người làm công tác phong”.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân phong, từ nhiều năm qua, bên cạnh sự nỗ lực của các y, bác sỹ, đội ngũ kỹ thuật viên của Bệnh xá phong cũng nỗ lực không kém. Bởi họ là những người trực tiếp sản xuất ra các vật dụng, phương tiện hỗ trợ vận động cho bệnh nhân tàn tật do bệnh phong gây ra. Bác  sỹ  Hồ Bộ, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Kon Tum cho biết: “Không những chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh xá, anh em mỗi tháng còn đi về cộng đồng, tận nhà bệnh nhân chăm sóc vết thương, rửa vết thương, giáo dục y tế, cung ứng thuốc, vật tư và đặc biệt anh em thợ giầy cũng có đi theo, lấy mẫu, đo, mẫu, sản xuất giầy để cung cấp cho họ. Nói chung anh chị em làm công tác chống phong ở đây rất tâm huyết, tất cả vì người bệnh, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành  nhiệm vụ”.

Chính sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh xá phong Đăk Kia đã góp phần tích cực để công tác phòng, chống phong trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt được kết quả cao so với 11 tỉnh trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đáng ghi nhận là đã giúp cho cộng đồng hiểu hơn, từng bước xóa bỏ kỳ thị với người mắc bệnh phong và người bệnh cũng xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

                                                                 Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *