(kontumtv.vn) – Những tháng đầu mùa mưa năm 2018, hiện tượng bọ cánh cứng (bọ hũ) đang bùng phát trở lại, gây thiệt hại cho hàng chục ha cà phê trồng mới trên địa bàn huyện Đăk Hà (Kon Tum).

Vườn cà phê của gia đình anh A Thảo (thôn Kon Klốc, xã Đăk Mar) được Công ty TNHH MTV Cà phê 704 giao khoán trồng tái canh năm 2017. Trước đó, mặc dù gia đình đã khống chế thành công bọ cánh cứng gây hại với hiệu quả đạt trên 90%, nhưng từ trung tuần tháng 5/2018 đến nay, bọ cánh cứng xuất hiện trở lại với mật độ dày hơn, tốc độ sinh trưởng nhanh hơn. Anh Thảo cho biết: “Mới trồng nó ăn ít, càng lớn thì càng nhiều, trồng 800 cây nó ăn hết toàn bộ, cây nào nó cũng ăn, ban ngày nó ở dưới đất, đêm nó lên ăn, mỗi gốc khoảng hơn 100 con đấy. Cây nào nó ăn thì phát triển kém, không ra được quả, lá cũng ăn hết…”.

Bọ cánh cứng tàn phá cây cà phê
Bọ cánh cứng tàn phá cây cà phê

Hiện có trên 60 ha cà phê nằm trong quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ và 4C của Công ty TNHH MTV Cà phê 704 tại thôn Kon Klốc, xã Đăk Mar đang bị bọ cánh cứng tấn công, tàn phá nặng nề, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Bọ cánh cứng tấn công ăn trụi lá và ngọn, khiến cây không sinh trưởng và phát triển được. Ông Ngyễn Văn Bể, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 704 nói: “Năm 2018 nó bùng phát lên thành dịch bọ cánh cứng, gây thiệt hại quá nặng cho diện tích cà phê công ty chúng tôi đang tổ chức ản xuất, chủ yếu cây cà phê trong thời kỳ xây dựng cơ bản. Chỉ trong một thời gian ngắn bọ cánh cứng đã gây thiệt hại đến 7,5 ha không phát triển được, cây chết. Số còn lại trên 50 ha, khi chúng tôi kiểm kê và đánh giá lại tại thời điểm tháng 7/2018 thì chỉ được 10 ha còn có thể tạm được, số còn lại hơn 40 ha bị quá nặng, cây cà phê bị bọ cánh cứng ăn hết lá, trụi cả ngọn luôn”.

Bọ cánh cứng có thân màu vàng nâu, kích thước bằng hạt đậu đen, gây hại vào ban đêm, trong khoảng thời gian từ 18h30 đến 21h. Bọ cánh cứng thường ăn lá non, ăn rải rác trên lá cà phê làm lá cây bị thủng, làm giảm sức sống, khả năng quang hợp yếu đi, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Ông Trần Văn Tài, Công ty TNHH MTV Cà phê 704 nói: “Đặc tính con này rất sợ ánh sáng, chúng tôi đã dùng bẫy bằng đèn, bỏ thuốc bả để xua đuổi đi, cuối cùng nó vẫn đến. Thậm chí vừa phun tối xong lá vẫn còn ướt, vẫn thấy nó bò lên ăn, ăn xong là chết. Phun xong 1-2 ngày kiểm tra đảm bảo bới ở gốc không còn, chỉ còn 1 số ít, nhưng trong vòng 10 ngày sau nó lại tái hiện rất nhiều, chúng tôi bây giờ cứ 10 ngày phun thuốc 1 lần của các nhà khoa học, Trạm Bảo vệ thực vật khuyến cáo, nhưng chúng vẫn tàn phá, bây giờ đang tiếp tục phá hại nặng, thậm chí trở thành đại dịch ở khu vực này”.

Hầu hết diện tích cà phê này đã được Công ty Cà phê 704 giao khoán cho 100 hộ công nhân là người dân tộc thiểu số tại thôn Kon Klốc, xã Đăk Mar. Mặc dù trong thời gian kiến thiết cơ bản mỗi hộ đều được hỗ trợ cây giống, phân bón và tiền công chăm sóc hàng tháng, đã tạo điều kiện giải quyết việc làm cho công nhân là người tại chỗ, nhưng với tình trạng bọ cánh cứng gây hại chưa có giải pháp ngăn chặn, đang là nỗi lo cho các hộ công nhân nhận khoán. Ông Nguyễn Văn Bể đề nghị: “Để đảm bảo đời sống cho người lao động, chúng tôi rất mong muốn các cấp, các ngành, nhất là các nhà khoa học, các nhà chuyên môn nghiên cứu làm sao đối với đặc thù của con bọ cánh cứng này, tìm các giải pháp tích cực nhất, khuyến cáo cho chúng tôi để phòng tránh, tránh các trường hợp bùng phát nơi khác”.

Hiện tại, bọ cánh cứng vẫn tiếp tục gây hại trên nhiều diện tích cà phê ở thôn Kon KLốc, xã Đăk Mar và có nguy cơ lây lan ra diện rộng ở các địa bàn lân cận. Hi vọng ngành chức năng sẽ sớm tìm ra giải pháp phòng trừ hữu hiệu, giúp người trồng cà phê yên tâm sản xuất.

CTV Thế Quỳnh – Minh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *