(kontumtv.vn) – Đái tháo đường là một căn bệnh gây ra nhiều  biến chứng nguy hiểm và làm cho người bệnh phải tốn rất nhiều chi phí trong quá trình  điều trị bệnh. Trong những năm  gần đây, bệnh nhân đái tháo đường trên địa bàn tỉnh Kon Tum có chiều hướng gia tăng, toàn tỉnh có khoảng 4,7% người dân mắc căn bệnh này.

Cũng như đa số bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường, khi phát hiện, bệnh của bà Đinh Thị Dự (tổ 1, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) đã nặng. Ba năm qua, từ khi phát hiện bệnh đến nay, cứ mỗi năm, bà Dự phải nhập viện vài lần. Để điều trị bệnh hiệu quả, hiện bà Dự đang thực hiện điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bà nói: “Bác sỹ dặn về nhà phải ăn uống kiêng cữ. Trước đây mình ăn 2 chén bây giờ mình ăn một chén thôi, ăn canh rau nhiều hơn. Thay vì mình ít ăn thịt lại mình ăn cá”.

Điều trị bệnh ĐTĐ tại BV Đa khoa Kon Tum
Điều trị bệnh ĐTĐ tại BV Đa khoa Kon Tum

Kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, hiện tỉnh Kon Tum có khoảng  4,7%  người dân mắc bệnh đái tháo đường, trong đó chủ yếu tập trung  ở độ tuổi từ 30  trở lên. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh ĐTĐ đã gia tăng theo từng năm. Thạc sỹ Tô Minh Tuấn, Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Kon Tum cho biết: “ Bệnh ĐTĐ là một trong những bệnh hiện đang là bệnh rất thời sự. Bệnh ĐTĐ hàng năm gia tăng rất cao, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh năm 2012 khoảng 5358 ca, năm 2013 thì số lượng có tăng hơn là 5496 ca và đến năm 2014 ước tính 10 tháng đầu năm  ĐTĐ là 4785 trường hợp”.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, các triệu chứng thường thấy của bệnh ĐTĐ là:

– Rất khát nước và uống nước rất nhiều.

– Đi tiểu tiện nhiều hơn bình thường.

– Nhanh đói và ăn nhiều một cách bất thường.

– Giảm cân nhiều trong một thời gian ngắn.

– Khó tập trung làm việc hay học tâp, cơ thể mệt mỏi, dễ nổi cáu.

– Nhìn mờ.

ThS Tô Minh Tuấn khuyến cáo: “Để phòng chống tốt nhất bệnh ĐTĐ thì mình phải giảm trọng lượng cơ thể. Vòng bụng, vòng eo đối với nam phải nhỏ hơn 90 và nữ nhỏ hơn 80. Thứ 2 nữa là nên tập thể dục đều đặn khoảng 30 phút mỗi ngày. Thứ 3 nữa là chế độ về dinh dưỡng thì nên ăn những thức ăn hạn chế béo, hạn chế chất đường như nước ngọt, bánh ngọt, tăng cường rau, chất xơ và phải một điều quan trọng nữa đó là người bệnh phải nên đi khám xét nghiệm máu để phát hiện tiểu đường, đặc biệt là đối với những người có tiển sử về gia đình mắc bệnh ĐTĐ thì phải nên đi xét nghiệm để tầm soát ĐTĐ, đặc biệt là ở lứa tuổi trên 45 tuổi”.

Bệnh ĐTĐ là bệnh mãn tính và thường dẫn tới những biến chứng nguy hiểm  về tim mạch, thể chất, để lại rất nhiều hậu quả cho người bệnh. Do vậy, trong quá trình điều trị bệnh ĐTĐ, sự hợp tác của bệnh nhân đóng vai trò rất quan trọng. Bsc sỹ CKII Phạm Bá Đà, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói; “Với sự phát triển của công nghệ, bệnh ĐTĐ rất dễ cập nhật ở tất cả các nơi có mạng thông tin. Người bệnh ngày càng hiểu rõ về vấn đề bệnh lý này. Quan trọng nhất là mối liên hệ giữa thầy thuốc và người bệnh. Làm sao chúng ta có mối quan hệ chặt chẽ  thì vấn đề ĐTĐ cũng sẽ dễ được chăm sóc và điều trị hơn”.

Đái tháo đường là một trong những bệnh “nan y”, bởi nó không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu có kiến thức tốt về bệnh, thay đổi lối sống phù hợp thì bệnh nhân vẫn có thể sống vui, sống khỏe.

                                                                  Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *