(kontumtv.vn) – Sản xuất nông nghiệp có một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, giá cả đầu ra của nông sản hàng hóa đang gặp rất nhiều khó khăn làm cho người nông dân chịu nhiều thiệt thòi và gặp phải tình cảnh khó khăn. Trong khi đó chưa có một cơ quan nào đứng ra làm đầu mối cho đầu ra sản phẩm.

Mặc dù trồng rau đã nhiều năm nay, nhưng chưa khi nào bà Nguyễn Thị Thuận (tổ dân phố 4, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) và nhiều hộ dân trồng rau ở đây phải gặp khó khăn như lúc này, do giá rau quá thấp. Bà cho biết, có nhiều lúc gia đình thu hoạch lên tới 4 tấn rau nhưng đầu mối chỉ nhập 2 tấn, số còn lại phải bán với giá rất thấp và thất thường. Vườn rau rau xà lách gia đình bà đã lên ngồng, nhưng bà không thu hoạch do giá quá thấp, nếu thu hoạch tiền bán không đủ công lao động. Bà Thuận đề nghị: “Nhà nước hay tổ chức gì đó có đường ra, tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Có như vậy người nông dân mới dễ sống, nếu không lệ thuộc con buôn hết”.

NONG SAN

Những năm trước, đến thời điểm này những người trồng cà phê đã bán hết sản phẩm, nhưng ông Trần Đình Sính (thôn 2, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà) hiện còn tồn 12 tấn cà phê nhân chưa bán được và đang chờ giá lên. Gia đình ông phải chạy vạy lo chi phí để đầu tư chăm sóc vườn cây. Theo thống kê, hiện nay huyện Đăk Hà có từ 30 – 40% số cà phê nhân còn tồn lại chưa bán được. Ông  Sính nói: “Gía cả thì quá thấp mà không có sự hỗ trợ, hay bảo hiểm của các tổ chức, ngành liên quan, người dân chúng tôi thu nhập ổn định thì thực sự khó khăn. Tính theo đầu tư hiện tại bây giờ, giá cà phê  quả tươi phải 9.000 đ/kg trở lên, cà nhân xô phải trên 40.000 đ/kg thì  chúng tôi mới có lời và có thu nhập một tí”.

Không riêng nông sản, giá cả thủy sản nuôi trồng trên địa bàn huyện nhiều lúc cũng làm cho bà con nông dân rơi vào cảnh dở khóc, dở cười. So với trồng lúa, nuôi cá nước ngọt cho lợi nhuận gấp nhiều lần. Tuy nhiên nhiều lúc sản lượng nuôi trồng, đánh bắt tăng lên thì không có đầu ra, làm cho các hộ nuôi cá lao đao. Anh Ngô Văn Năm (thôn 3, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà) cho biết: “Gía cám thì nó cao mà giá thành năm nay không được cao cho lắm, nói chung so với mấy năm trước thì nó cũng ngang ngang với làm lúa thôi”.

Cái khó cho đầu ra của nông sản hiện nay nói chung là chưa có cơ quan nào đứng ra đảm nhiệm, mà chủ yếu là do quan hệ cung – cầu của thị trường. Ngành Công Thương là đơn vị chủ lực, nhưng không đủ khả năng để điều chỉnh giá mà ngành chỉ có thể quản lý điều hành để đảm bảo lượng hàng hóa cho thị trường và không để tăng giá đột biến. Những mặt hàng mà ngành điều tiết được chỉ là những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, giá điện. Ông Võ Xuân Sơn, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum nói: “Tiêu thụ nông sản qua hợp đồng thì hiện nay chưa thực hiện được, cho nên giữa người sản xuất và doanh nghiệp chưa kết nối được với nhau, rất khó cho người nông dân khi giá thấp xuống, người nông dân phải chịu thiệt”.

Chưa có cơ quan nào liên kết đứng ra chịu trách nhiệm đầu ra, bao tiêu nông sản hàng hóa và bảo hiểm cho sản phẩm nông nghiêp. Mặt khác, người sản xuất nông nghiệp nhiều lúc cũng vì cái lợi trước mắt mà đầu tư ồ ạt, thiếu quy hoạch. Đó là yếu tố bất lợi cho đầu ra của nông sản do cung vượt cầu và bị tư thương thao túng, ép giá.

                                                                   Duy Phong – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *