(kontumtv.vn) – Thông tin từ Bộ Y tế cho thấy tại Việt Nam, từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 1,3 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 1 triệu người đã được chữa khỏi (chiếm 77%).

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người đến khám có triệu chứng. Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN

Trong tuần qua, cả nước ghi nhận thêm hơn 100.000 ca mắc mới (57.538 ca cộng đồng, chiếm 57% số mắc mới). So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng tăng 10%, số ca khỏi bệnh tăng 66,5%, số ca nặng, nguy kịch tăng 16,2%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 203%, số ca đang điều trị tại bệnh viện tăng 153%, số ca nặng, nguy kịch tăng 62,2%.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đến nay tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước. Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là người dân chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là ở những khu vực dễ lây lan, như: hàng quán, chợ dân sinh, khu chung cư…

Mặc dù thời gian qua, đã có nhiều trường hợp bị xử phạt, thậm chí là khởi tố hình sự vì tội danh làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi.

Điển hình như, khoảng 0 giờ 20 ngày 9/12, Tổ tuần tra của Công an phường Trung Hòa phát hiện cơ sở kinh doanh Monaza 194 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) có dấu hiệu lén lút hoạt động, vi phạm các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong quán có khoảng 120 khách đang ăn uống tại tầng hầm B1, tầng 1 và tầng 11 tại cơ sở này. UBND phường Trung Hòa đã chỉ đạo lực lượng y tế địa phương phối hợp với Công an phường Trung Hòa tiến hành test nhanh COVID-19 đối với số khách tại cơ sở và kiểm tra các nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch. Bước đầu, qua test nhanh COVID-19, lực lượng chức năng xác định có 4 khách dương tính với virus SARs-CoV-2. Theo Công an thành phố Hà Nội, trong năm 2021, cơ sở này đã bị Công an phường Trung Hòa phát hiện, xử lý vi phạm 3 lần liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Công an phường Trung Hòa đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng xác minh, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Tại Hà Nội, những ngày gần đây, số ca mắc mới có xu hướng tăng. Trong tuần từ 29/11 đến 5/12, số ca mắc mới dao động từ 400-600 ca; từ ngày 6-7/12, số ca mắc dao động từ 600-700 ca/ngày. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, từ ngày 29-4 đến 9/12 là 15.959 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 6.069 ca. Trong cuộc họp gần đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết: “dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô đang diễn ra phức tạp, nghiêm trọng, gây khó khăn rất lớn cho công tác truy vết, khoanh vùng và kiểm soát”. Bên cạnh những điểm tích cực, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ: “Tâm lý chủ quan đang ngày càng phổ biến đối với cả cơ quan có trách nhiệm và người dân. Tình trạng đi lại, tụ tập ăn uống đông người không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch ngày càng nhiều. Thực tế đang đặt ra khó khăn, thử thách rất lớn đối với các cấp thành phố trong kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người dân”.

Nhiều chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng người dân chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đó là tâm lý yên tâm khi đã tiêm đủ hai mũi vaccine COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo: Vaccine không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: “Nhiều người chủ quan vì đã có 1-2 lần xét nghiệm âm tính, thậm chí nghĩ mình đã tiêm một mũi vaccine thì không thể nhiễm bệnh. Đó thực sự là sai lầm. Bởi tiêm xong mũi một miễn dịch kém, đủ hai mũi mới đủ miễn dịch, nhưng miễn dịch này chỉ giúp giảm sự lây nhiễm chứ không bảo đảm 100% không lây nhiễm. Người được tiêm vaccine nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vaccine và gây bùng phát dịch.

Việc thực hiện “5K” vẫn đã, đang và sẽ là biện pháp cần phải duy trì thì mới bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch. Nếu người dân chủ quan, vẫn ra đường, tụ tập nơi đông người khi không có việc thực sự cần thiết rất có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng – Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu cảnh báo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng, cần xác định tiêm hai mũi vaccine là giúp bản thân người đã tiêm nếu chẳng may nhiễm virus SARS-CoV-2 thì có thể có triệu chứng nhẹ, ít bị nặng.

“Theo các báo cáo khoa học, tỷ lệ tử vong ở những người đã tiêm đủ hai liều vaccine COVID-19 là thấp hơn so với nhóm chưa tiêm hoặc mới được tiêm một mũi. Tuy nhiên, người đã tiêm hai mũi vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 và vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm không đồng nghĩa là họ được tự do đi lại, không thực hiện các khuyến cáo về phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Những người đã tiêm hai mũi vaccine vẫn cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

TTXVN/Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *