(kontumtv.vn) – Phát huy truyền thống “Uống ước nhờ nguồn”,  “Đền ơn đáp nghĩa”,  những năm qua, với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể đã triển khai thực hiện  kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho người có công. Nhờ đó, 97% đối tượng là người có công cách mạng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có mức sống bằng  hoặc cao hơn  so với người dân ở khu dân cư.

Là thương binh hạng 2/4, sức khỏe suy yếu nhiều, nhất là khi tuổi đã cao, song ông Lê Xuân Nền (tổ 1, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum) vẫn vui vẻ, hạnh phúc. Hàng chục năm qua, khoản tiền trợ cấp 3,7 triệu đồng/ tháng dành cho người có công đủ để ông cùng vợ chăm lo cho các con ăn học nên người. Ông cảm thấy ấm lòng khi Đảng, Nhà nước luôn tri ân những người đã hy sinh một phần xương máu để giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước.

Cũng như ông Nền, ông Đỗ Văn Tịnh (thôn 2, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, đã nhận thấy rõ Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của người có công cách mạng.  Mức hỗ trợ  đối tượng ngày càng tăng  lên. Ông Tịnh  nói: “Những người tham gia kháng chiến như thương binh, những người bị nhiễm chất độc hóa học, cũng như gia đình liệt sỹ, thì nói chung đến nay sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mỗi ngày càng được nâng cao. Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến gia đình chúng tôi”.

Đối tượng chính sách tham quan Di tích lịch sử Ngục Kon Tum
Đối tượng chính sách tham quan Di tích lịch sử Ngục Kon Tum

Không chỉ đảm bảo thực hiện chế độ, chính sách theo qui định, các ban ngành, đoàn thể, địa phương của tỉnh Kon Tum đã quan tâm chăm sóc, giúp đỡ người có công trên nhiều phương diện. Ông Đỗ Tiến Thắng, thương binh hạng 4/4 (phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum) cho biết: Năm 1989, ông từ miền Bắc vào định cư ở Kon Tum. Được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, ông đã nhanh chóng ổn định cuộc sống. Ông nói: “Từ cái lúc con tôi còn rất nhỏ, mới chập chững biết đi, đi vào học các trường từ mầm non, tiểu học cho đến khi các cháu trưởng thành vào bậc đại học, thì các năm học đều được ưu tiên không đóng học phí. Điều tôi phấn khởi nhất là con gái của tôi tuy là khiếm thị, nhưng cháu học đại học ra trường, được chính quyền quan tâm, cháu bây giờ đã có công ăn việc làm ổn định, bây giờ đang theo nghề dạy học”.

Xác định chăm sóc người có công vừa là nhiệm vụ, vừa là việc làm thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh  đã tích cực triển khai, đảm bảo cho các đối tượng được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện, các địa phương đã tổ chức thiết thực, hiệu quả hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Điển hình như thành phố Kon Tum, từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, phòng LĐ-TB&XH thành phố luôn  ưu tiên hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà ở cho đối tượng người có công. Bà Nguyễn Thị Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH thành phố Kon Tum nói: “Để nâng cao đời sống cho người có công, từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, hàng năm thành phố đã xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa cho  người có công. Năm 2014 thành phố vận động được 465 triệu đồng, xây dựng 5 nhà tình nghĩa và sửa chữa 9 nhà cho người có công, thường xuyên hỗ trợ những gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống”.

Ông Phạm Châu Tuệ, Trưởng Phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 40.000 đối tượng có công cách mạng, trong đó, có hơn 33.000 đối tượng đã được giải quyết chế độ một lần, hơn 6.000 đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngoài các chế độ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà  nước, tỉnh Kon Tum đã có nhiều cố gắng vận động các tổ chức, đoàn thể, các nhà hảo tâm chung tay góp phần chăm lo đời sống cho người có công. Nhờ đó, đời sống của người có công trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao. Từ năm 2011- 2015, mức sống của các gia đình chính sách ngang bằng hoặc cao hơn đối với mức sống của người dân ở khu dân cư đã tăng từ 92,5% lên 97%. Số xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ là từ 79 xã lên 90 xã.

Có thể nhận thấy, công tác đền ơn đáp nghĩa đã góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công ở Kon Tum, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân  đối với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ, các thương, bệnh binh, người có công với cách mạng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Thanh Tùng – Công Luận

                                           

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *