(kontumtv.vn) – Là địa phương có nhiều nạn nhân chất độc da cam, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện Kon Rẫy đã có những việc làm thiết thực để chăm sóc, hỗ trợ  các đối tượng này  về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, nhìn chung, đời sống gia đình các nạn nhân vẫn còn nhiều khó khăn.

Nạn nhân chất độc da cam cần được xã hội quan tâm, chăm sóc
Nạn nhân chất độc da cam cần được xã hội quan tâm, chăm sóc

Hiện nay trên địa bàn huyện Kon Rẫy có hơn 500 người bị phơi nhiễm chất độc da cam /dioxin. Trong đó, 43 người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, là những người trực tiếp tham gia kháng chiến và con những người tham gia kháng chiến. Hàng năm, ngoài chế độ trợ cấp của Nhà nước, chính quyền địa phương và Huyện Hội đều tích cực vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp xây dựng Quỹ Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam để kịp thời giúp đỡ, động viên các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Bà Y Đa, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam /dioxin huyện Kon Rẫy cho biết: “Từ trước đến nay các cấp chính quyền rất quan tâm các  nạn nhân chất độc da cam. Hội cũng cố gắng hết sức để cùng chính quyền chăm sóc các nạn nhân chất độc da cam. Ngày lễ, ngày tết, ngày thảm họa da cam thì cũng tặng quà thăm hỏi đầy đủ”.

Tuy vậy, trước những thảm họa to lớn do chất độc da cam / dioxin gây ra, nhiều gia đình đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn cả về vật chất, tinh thần, vẫn rất cần sự quan tâm chia sẻ. Ông A Đàng (thôn Măng Tu, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy)nói: “Mình là thương binh. 2 người con mình bị nhiễm chất độc da. Bây giờ 2 con không làm được cái gì cả. Vợ mình năm nay 59 tuổi, già yếu rồi. Tiền không đủ nuôi gia đình, là khó khăn chỗ đó. Mong muốn được Nhà nước quan tâm thêm”.

Bà Y Đa cho biết thêm: “Đối tượng khó khăn cũng nhiều, nhất ở những xã vùng sâu, vùng xa. Như xã Đăk Côi, Đăk Pne rất nhiều người còn khó khăn. Có người đi không được, phải nằm. Có người thì cái chân nó dài, cái đầu nó to. Nhiều cái khó khăn lắm. Nói về tiền trợ cấp thì không đủ đâu”.

Kỷ niệm Ngày thảm họa Da cam Việt Nam (10/8) hàng năm là dịp để huyện Kon Rẫy kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn cùng các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam; kêu gọi các ban ngành, đoàn thể, mỗi cán bộ, nhân dân trong huyện cùng suy nghĩ và hành động thể hiện tình cảm cao nhất của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tương thân tương ái, nhằm giúp các nạn nhân da cam có cuộc sống ngày một tốt hơn.

                                                                Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *