(kontumtv.vn) – Vào mùa mưa bão, gia súc chịu ảnh hưởng rất lớn của thời tiết và các yếu tố khách quan khác. Do vậy, việc nắm bắt kỹ thuật chăm sóc gia súc trong mùa mưa bão là rất quan trọng, góp phần tăng sức khỏe cho gia súc, tăng khả năng chống chịu trước các tác động bất lợi của ngoại cảnh và sự đe dọa của bệnh dịch.

Hiện nay, tỉnh Kon Tum có trên 23.100 con trâu, 73.700 con bò, đàn lợn khoảng 134.000 con. Nhìn chung, giá cả gia súc có xu thế ổn định, ít biến động nên được nhiều hộ gia đình lựa chọn để phát triển kinh tế.

Mùa mưa năm nay sẽ xảy ra một số cơn bão với cường độ cao, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Đối với các hộ chăn nuôi gia súc cần thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ trong mùa mưa bão như làm chuồng trại kiên cố ở nơi cao ráo, chuồng nuôi được che chắn kỹ để tránh gió, mưa tạt. Đồng thời, hộ chăn nuôi cần chủ động dự trữ thức ăn để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa mưa bão; bổ sung thức ăn tinh để giúp vật nuôi chống chọi với điều kiện thời tiết bất lợi.

CHU DONG CHAM SOC GIA SUC TRONG MUA MUA BAO

Về phòng bệnh, bà con cần định kỳ vệ sinh máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi; phun khử trùng trong và ngoài chuồng nuôi gia súc để diệt mầm bệnh có trong môi trường. Chuẩn bị dự phòng một số thuốc thú y thiết yếu như thuốc trợ sức, trợ lực, kháng sinh phổ rộng, thuốc sát trùng. Ông Phạm Mạnh Cường, Trưởng Phòng Quản lý giống và Kỹ thuật chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum khuyến cáo: “ Bà con cần chú ý về chuồng trại cần vệ sinh thường xuyên, khử trùng, tiêu độc định kỳ, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh trong và ngoài chuồng nuôi. Khơi thông cống rãnh thường xuyên để các hệ thống cống rãnh thông thoáng. Chủ động tiêm phòng các bệnh cho gia súc. Đối với trâu bò thì ta nên tiêm phòng các bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Đối với lợn thì chúng ta tiêm tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả lợn, lở mồm long móng, đóng dấu lợn. Nếu được thì ta tiêm thêm tai xanh cho lợn. Nên định kỳ bổ sung xổ giun hằng năm, hay 1 lần/ năm đối với các loại gia súc”.

Ngoài ra, bà con cần thường xuyên thăm chuồng, kiểm tra sức khỏe của đàn gia súc bằng cách lắng nghe, quan sát để kịp thời phát hiện bệnh để có biện pháp xử lý.

Khi phát hiện gia súc có biểu hiện các triệu chứng bất thường, bà con cần báo cho cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, không nên mua thuốc tự điều trị; thực hiện tốt biện pháp 5 không, gồm không giấu dịch, không mua bán gia súc mắc bệnh, không vận chuyển gia súc mắc bệnh, không ăn các sản phẩm động vật mắc bệnh, không rõ nguồn gốc và không vứt xác động vật, chất thải bừa bãi.

Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng có khí hậu lạnh, ẩm ướt và mưa nhiều như huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông, bà con không thả rông trâu bò vào rừng. Vì khi thời tiết diễn biến bất lợi, số gia súc không kịp đưa về chuồng trại ở nhà rất dễ xảy ra tình trạng trâu bò chết lạnh, chết rét. Ông Phạm Mạnh Cường khuyến cáo: “ Thời điểm mưa bão thì đề nghị bà con đưa gia súc từ rừng về, có chuồng trại che chắn đảm bảo, chuẩn bị các loại thuốc vắc xin, hóa chất để khử trùng, tiêu độc và chuẩn bị công tác phòng chống dịch bệnh khi thời điểm xảy ra mưa bão”.

Ngoài ra, bà con cần thường xuyên theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình diễn biến thời tiết để chủ động có phương án đối phó, góp phần giảm thấp nhất thiệt hại cho đàn gia súc do mưa bão gây ra.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *