(kontumtv.vn) – Rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống bão lụt, nhất là sau cơn bão số 9 năm 2009, những năm qua, công tác phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan, đơn vị, các địa phương, cơ sở và người dân đặc biệt quan tâm, triển khai đạt kết quả, góp phần hạn chế các thiệt hại gây ra, thúc đẩy phát triển sản xuất.

Đăk La, Huyện Đăk Hà là xã có diện tích lúa nước lớn, cùng với đó là hệ thống hồ, đập thủy lợi để cung cấp nước tưới khá nhiều. Việc duy tu, sửa chữa các hồ đập, nạo vét kênh mương thủy lợi luôn được xã quan tâm, chỉ đạo nhân dân thực hiện hàng năm, vừa góp phần đảm bảo nguồn nước tưới, vừa hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ông Nguyễn Quang Thịnh, Phó chủ tịch UBND xã Đăk La cho biết: “Trên địa bàn xã Đăk La có trên 10 công trình thủy lợi lớn và nhỏ. Đa số các công trình lớn là do Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý. Địa phương thường xuyên phối hợp với các ban, ngành của tỉnh và huyện trong công tác phối hợp quản lý các công trình hồ đập, thường xuyên đi kiểm tra, có sự cố thì kịp thời phối hợp với các đơn vị quản lý đập để khắc phục kịp thời”.

Tu sửa công trình thủy lợi trước mùa mưa bão
Tu sửa công trình thủy lợi trước mùa mưa bão.

Đối với xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei, một trong những xã nằm trong lưu vực sông Pô Cô, địa hình phức tạp. Hàng năm bão lũ thường gây sạt lở, ngập úng, nhất là ở thôn Pêng Sa Pêng, Đăk Trấp. Trước mùa mưa lũ năm nay, xã đã xác định 4 điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng cao, đưa vào phương án để chủ động phòng tránh. Ông A Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pét nói: “Trong 4  điểm có nguy cơ sạt lở, Ban Chỉ đạo của xã đã chuẩn bị các vật tư, vật liệu như áo phao, rọ thép, đá hộc. Trường hợp có xảy ra sạt lở sẽ kịp thời để ứng phó, tu sửa ngay, hạn chế thấp nhất  việc ảnh hưởng đến đất đai, hoa màu, tính mạng, tài sản của người dân”.

Trong thời gian qua, ngay từ đầu mùa mưa hàng năm, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai tỉnh  đều có những văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố cũng như các ngành tiến hành rà soát, lập phương án phòng chống lụt bão cụ thể của địa phương, đơn vị mình; bám sát vào những vùng xung yếu cũng như theo phương án khung đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện từ năm 2013 – 2015. Từ đó, UBND các huyện, thành phố có văn bản chỉ đạo các xã, phường, những nơi thường xảy ra sạt lở, lũ quét và ngập úng chuẩn bị những phương tiện cụ thể, cần thiết, khi có thiên tai triển khai ứng cứu kịp thời, làm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Ông Lê Thanh Hà, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCLB&GNTT tỉnh cho biết: “Từ sự chủ động trong công tác phòng chống lũ lão trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta,  tình hình thiệt hại đã hạn chế và người dân cũng hiểu được cách phòng tránh khi thiên tai sắp xảy ra. Điều đó tác động đến sản xuất, đời sống của nhân dân, đất sản xuất cũng ít bị hư hại, cuốn trôi”.

Nằm trên địa hình đồi núi chia cắt mạnh, có nhiều sông suối, Kon Tum là nơi thường xuyên chịu nhiều thiệt hại khi bão lụt xảy ra. Việc chủ động phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn có ý nghĩa quan trọng góp phần hạn chế thiệt hại khi bão lũ gây ra, đảm bảo cho việc sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Việc làm này ngày càng đi vào nề nếp, chuyên nghiệp và có hiệu quả hơn, được nhân dân tích cực hưởng ứng, phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ trong việc triển khai các biện pháp phòng tránh và chỉ đạo khắc phục khi bão lụt xảy ra. Tuy nhiên, công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí để chủ động tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ đập kênh mương thủy lợi hàng năm cũng như kinh phí khắc phục những hậu quả do thiên tai gây ra còn hạn chế, cần được quan tâm hơn.

Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *