(kontumtv.vn) – Tây Nguyên đã vào mùa khô, trời rét nên dễ gây các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt là các loại bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng đối với trâu, bò… Ngành Thú y thành phố Kon Tum đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống các loại dịch bệnh này.

Anh Phạm Văn Chiến (thôn 9, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) cho biết, trước đây anh cũng như nhiều hộ khác trong thôn chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ, nhà vài ba con cho nên công tác chăm sóc dịch bệnh ít khi được chú ý tới. Từ khi trong thôn có phong trào phát triển chăn nuôi theo hướng qui mô  lớn thì ý thức phòng ngừa  dịch bệnh cho vật nuôi đã được quan tâm hơn nhiều, đặc biệt là được sự quan tâm của ngành thú y. Anh Chiến nói: “Trước đây mình không tiêm phòng nên không yên tâm mấy, mà bò hay bị dịch bệnh. Từ ngày tiêm phòng tới nay thì mình rất yên tâm, không sợ bò bị dịch bệnh”.

Tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh cho gia súc
Tiêm vắc xin phòng chống dịch cho gia súc

Thành phố Kon Tum là địa phương có tổng đàn gia súc lớn nhất của tỉnh, hiện nay, riêng đàn trâu bò có trên 17.000 con. Nhiều năm qua, được sự hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều loại vắc xin đã được ngành Thú y triển khai tiêm phòng sâu rộng đến tất cả các địa bàn cơ sở. Trong năm 2014, ngành Thú y thành phố đã triển khai tiêm phòng đợt 1 từ giữa tháng 4. Đến nay tất cả các xã, phường đã tiêm phòng đợt 2, qua đó giúp cho người chăn nuôi  yên tâm. Ông Nguyễn Đức, Trưởng Ban Thú y xã Đăk Cấm cho biết: “Cách phòng chống dịch bệnh là hằng năm theo sự chỉ đạo của Trạm Thú y thành phố, Ban Thú y  nhận công văn thực hiện việc tiêm phòng, chẳng hạn như đàn bò thì tiêm phòng năm nay 2 đợt về lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Đến nay  Ban đã tiêm gần xong đợt 2 năm 2014”.

Xác định công tác tiêm phòng là yếu tố quyết định đến hiệu quả của chăn nuôi, góp phần ổn định phát triển kinh tế hộ gia đình, định hướng chăn nuôi theo hướng bền vững, do đó ngành Thú y thành phố đặt biệt quan tâm. Bà Đỗ Thị Kim Giao, Phó trưởng Trạm Thú y thành phố Kon Tum nói: “Từ đầu năm đến nay, đối với đàn trâu, bò đã triển khai được 2 đợt tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng thuộc Chương trình quốc gia và một đợt tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng. Đối với đàn lợn thì từ đầu năm đến nay cũng triển khai được 2 đợt vắc xin tiêm phòng định kỳ”.

Từ nay đến cuối năm là giai đoạn thời tiết chuyển qua mùa khô, theo đó diện tích đồng cỏ chăn nuôi dần bị thu hẹp lại, nguồn thức ăn xanh không còn nhiều. Ngoài ra, kèm theo thời tiết lạnh dẫn đến đàn gia súc, trong đó có trâu bò rất dễ mắc bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Bà Đỗ Thị Kim Giao cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tham mưu cho UBND thành phố để chỉ đạo các UBND các xã, phường tuyên truyền, vận động nhân dân khi có dịch bệnh xảy ra thì phải kịp thời báo với cán bộ thú y cơ sở xã, phường hoặc UBND xã , phường để có phối hợp với Trạm Thú y xử lý ổ dịch kịp thời”.

Đối với công tác chăn nuôi gia súc trong điều kiện thời tiết bất lợi, ngoài sự quan tâm của ngành Thú y, người chăn nuôi cần phải chú ý đến các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, bổ sung thêm nguồn thức ăn tinh như bột bắp, cám, chuồng trại cần phải che chắn tốt để tránh gió lùa trong mùa lạnh.

                                                                   Duy Phong – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *