(kontumtv.vn) – Trước tình hình dịch sốt xuất huyết bùng phát và  diễn biến phức tạp ở một số tỉnh, thành trên cả nước, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, nhờ đó đến nay tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vẫn ở ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, theo dự báo, bệnh sốt huyết năm nay có những đặc điểm khác thường, do vậy người dân cần chủ động và nâng cao nhận thức phòng chống căn bệnh này.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có gần 60 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo. So với cùng kỳ năm 2014 tăng hơn 10 trường hợp. Mặc dù tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vẫn trong ngưỡng an toàn, song lại có những đặc điểm bất thường so với những năm trước. Bác sỹ CKI Đào Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: “Tình hình  sốt xuất huyết năm nay có những đặc điểm khá là khác. Một là nó xảy ra ở vùng chúng ta nghĩ sốt xuất huyết ít xảy ra, như ở Đăk Glei chẳng hạn. Thứ hai là tỷ lệ người trung tuổi, người lớn lại nhiều hơn trẻ em”.

Phun thuốc diệt muỗi, phòng chống sốt xuất huyết
Phun thuốc diệt muỗi, phòng chống sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh  Kon Tum  đã xuất hiện 2 ổ dịch sốt xuất huyết ở huyện Đăk Glei. Ngành Y tế đã kịp thời triển khai các giải pháp để dập tắt ổ dịch, không để bùng phát trên diện rộng. Đồng thời triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm huy động người dân tham gia công tác phòng chống dịch. Bác sỹ Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum nói: “Năm nay, mùa mưa diễn ra chậm hơn các năm trước và lượng mưa ít cho nên khả năng bệnh sốt xuất huyết nó sẽ trỗi dậy. Được sự chỉ đạo của Trung ương cũng như địa phương, chúng tôi đã tăng cường triển khai mạnh các biện pháp để ngăn chặn tình hình mắc sốt xuất huyết trong cộng đồng. Đến hiện nay các ổ dịch cũ trong tình trạng ổn định, số mắc thì cũng trong giới hạn cho phép, chưa có trường hợp tử vong. Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình mắc sốt xuất huyết sẽ tăng cao, điều quan trọng nhất khuyến nghị đối với cộng đồng là nâng cao nhận thức về công tác phòng chống sốt xuất huyết”.

Để công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết đạt kết quả, ngoài những nỗ lực của ngành Y tế, đòi hỏi phải có sự phối hợp và ý thức chủ động phòng chống bệnh của người dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là  cần hiểu rõ các dấu hiệu nhận biết để kịp thời điều trị khi mắc sốt xuất huyết. Bác sỹ CK II Phạm Bá Đà, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum hướng dẫn: “Chăm sóc, điều trị bệnh sốt xuất huyết, xin chú ý là sốt xuất huyết rất dễ nhầm với các loại sốt khác như sốt siêu vi, cảm cúm… nên không chủ quan. Vào ngày thứ 3,4,5 của bệnh trở đi có một giai đoạn gọi là có dấu hiệu cảnh báo, nếu bà con thấy con em mình có những dấu hiệu như đau bụng, ói mửa, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi cầu ra máu, phụ nữ hay có ra kinh bất thường, đó là dấu hiệu cho chúng ta biết đang đi vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh”.

Trước tình hình dịch bệnh đang bùng phát và diễn biến phức tạp ở một số địa phương trong cả nước, nhất là ở khu vực phía Nam, thì việc chủ động phòng chống sốt xuất huyết là việc làm rất cần thiết.

                                                                      Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *