(kontumtv.vn) – Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ, giúp đỡ những người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Kon Tum luôn được các cấp, các ngành cũng như toàn xã hội và bạn bè quốc tế quan tâm, với nhiều việc làm thiết thực, tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Các cô tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum chăm sóc, giúp đỡ trẻ mồ côi.
Vừa đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, chúng tôi đã được ông Phạm Châu Tuệ, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đưa đi tham quan điểm khám chữa răng, tặng quà cho các cháu khuyết tật và trẻ mồ côi của Trung tâm, do Đoàn Y tế từ thiện của Úc tổ chức. Ông Phạm Châu Tuệ cho biết, những hoạt động chăm sóc sức khỏe, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho các cháu có hoàn cảnh không may mắn như thế này luôn được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm. Ông Phạm Châu Tuệ cho biết thêm: Điển hình như Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã giúp cho toàn bộ lương thực để nuôi dưỡng đối tượng trong 5 năm qua với con số cũng tương đối lớn. Một số các tổ chức và cá nhân khác, trong những cái dịp ngày lễ, ngày tết đã thăm hỏi và động viên, giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho các cháu tại Trung tâm.
Ngoài sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum luôn dành những tình cảm, sự quan tâm chăm sóc ân cần, đầy tình thương và trách nhiệm dành cho các cháu khuyết tật và các cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam nơi đây. Ai cũng mong muốn các cháu sớm hồi phục sức khỏe để hòa nhập cộng đồng sau khi hết thời gian ở Trung tâm. Đến thăm các cô, cháu đang tập luyện tại khu điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng của Trung tâm, chị Đỗ Thị Hương Lan- Nhân viên y tế Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chia sẻ: Chúng em cũng hết sức cố gắng tập vật lý trị liệu cho các cháu; đồng thời là cũng phối hợp với Trung tâm chỉnh hình Quy Nhơn, hàng năm cũng đi làm giày, nẹp rồi phẫu thuật cho các cháu, tạo điều kiện cho một số cháu ở ngoài cộng đồng cũng vào đây tập đạt hiệu quả tốt nhất.
Ông Phạm Châu Tuệ- Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết, hiện tại Trung tâm đang nuôi dưỡng 155 đối tượng, trong đó có 73 trẻ khuyết tật và trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam. Số trẻ này luôn được sự quan tâm chăm sóc đặc biệt hơn đối với các trẻ mồ côi cũng như các đối tượng khác. Với tình cảm và trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ các cháu khuyết tật, ông Phạm Châu Tuệ tâm sự: Bản thân các cháu sinh ra đã có tật nguyền, bệnh tật, thể trạng yếu. Do vậy chúng tôi cũng tăng cường công tác chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu để giúp đỡ cho các cháu, thì cũng có nhiều cháu đã có sự tiến triển. Có những cháu khi về Trung tâm không thể đi lại được, thì đến nay qua quá trình giúp đỡ, phục hồi chức năng thì cũng có nhiều cháu đã tự đi lại, tự phục vụ sinh hoạt bằng chính đôi chân của mình.
Ngoài Trung tâm bảo trợ xã hội, những năm qua, công tác chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành, mặt trận và đoàn thể các cấp quan tâm. Đặc biệt thông qua kênh của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, Hội chữ thập đỏ tỉnh, nhiều hoạt động thiết thực dành cho người khuyết tật đã được triển khai, thực hiện, như hỗ trợ xe lăn, xe lắc, khám chữa bệnh, phẫu thuật phục hồi chức năng… Việc hỗ trợ sinh kế làm ăn như dạy nghề, xây dựng cửa hàng tạp hóa, buôn bán tại nhà, hỗ trợ bò giống sinh sản và nhiều việc làm thiết thực khác đã được quan tâm đến người khuyết tật và gia đình họ. Những việc làm thiết thực đã giúp cho nhiều người khuyết tật có cơ hội được điều trị, phục hồi chức năng, nhiều gia đình có người khuyết tật vượt qua khó khăn, vươn lên trong đời sống. Chị Y Truyền ở Xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, mẹ của cháu Y Kiều- 3 tuổi bị dị tật vận động vừa được Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ cho đi khám và phẫu thuật chỉnh hình vui mừng cho biết: Gia đình mình, Hội Chữ thập đỏ đã hỗ trợ tiền để mua con bò và Hội chữ thập đỏ đã hỗ trợ để đi khám và đi phẫu thuật cho bé. Nếu như Hội chữ thập đỏ không hỗ trợ thì gia đình em không đủ điều kiện để đi phẫu thuật cho bé.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có trên 6.000 người khuyết tật. Họ là những thương binh, quân nhân, công nhân bị tai nạn lao động, bị bệnh nghề nghiệp, những nạn nhân do hậu quả của chất độc hóa học trong chiến tranh, những người khuyết tật bẩm sinh. Họ là những người gặp nhiều khó khăn về mọi mặt trong đời sống, xã hội. Việc quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật không chỉ là hành động nhân ái mà còn là trách nhiệm của Nhà nước, của gia đình và cộng đồng xã hội để phần nào vơi đi những nỗi đau về thể xác và tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người khuyết tật tự tin hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Được như vậy, cũng là đúng với tinh thần chủ đề của Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12 năm nay mà Liên Hợp Quốc đưa ra “Xóa bỏ rào cản, mở rộng cửa: Vì một xã hội hòa nhập cho tất cả”./.
Quang Mẫn – Công Luận