(kontumtv.vn) – Trong những năm qua, nhất là từ khi Pháp lệnh Người khuyết tật được ban hành, bằng nhiều hoạt động thiết thực, tỉnh Kon Tum luôn chú trọng đến việc nâng cao đời sống cho người khuyết tật, giúp họ vượt qua khó khăn vươn lên hòa nhập cuộc sống.

Cả hai vợ chồng đều khuyết tật nặng, được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ làm nhà và xe lăn đi lại, giờ đây anh Trần Chí Tâm và chị Y Ngọc Trinh (thôn 4, thị trấn Đăk Rờ Ve, huyện Kon Rẫy) đã có cuộc sống ổn định. Đáng mừng hơn là cả hai vợ chồng không còn cảm thấy tự ti, mặc cảm bởi khuyết tật của mình. “Trước đây em cũng cảm thấy mặc cảm với bạn bè, bạn bè được đi đây đi đó, được đến trường, em cảm thấy tủi thân. Nhưng từ khi được hỗ trợ  làm nhà và xe lăn em thấy vui vì có nhà có cửa. có xe lăn đi lại nó tiện hơn, được đi lại, thỏa mái hơn chứ không còn nhờ bạn bè cõng nữa” – Chị Y Ngọc Trinh tâm sự.

Anh Trần Chí Tâm thì phấn khởi: Hàng tháng, ngoài số tiền trợ cấp ra thì vợ chống em buôn bán tạp hóa này cũng đủ sống, nói chung hàng xóm cũng thương nên qua mua ủng hộ.

NKT

Cửa hàng tạp hóa của vợ chồng anh Trần Chí Tâm và chị Y Ngọc Trinh

Cũng như  vợ chồng anh Trần Chí Tâm và chị Y Ngọc Trinh, từ khi được chính quyền địa phương và  Hội bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ vốn, cuộc sống của anh Lê Văn Thạch (thôn 5, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) đã được cải thiện đáng kể. Anh Thạch chia sẻ: Khi chưa có sự quan tâm của xã cũng như của Hội thì em đi làm thuê làm mướn, lương bổng cũng không có bao nhiêu, xa xôi mà tiền thì ít, nhiều lúc đau yếu cũng không đủ. Từ  lúc  được sự quan tâm của xã và của Hội cho em một con bò và chiếc xe, với một số vốn để bán hàng thì vợ chồng em thu nhập ổn định hơn trước đây.

Xác định rõ, muốn người khuyết tật hòa nhập cuộc sống cộng đồng thì trước hết phải giúp người khuyết tật xóa bỏ tự ti, mặc cảm. Chính vì vậy, thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tham gia vào các hoạt động xã hội. Ngoài ra, có  tổ chức, đoàn thể đã định hướng cho người khuyết tật về tư duy để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thông qua việc hỗ trợ mô hình kinh tế phù hợp với đặc điểm, tình hình ở địa phương cũng như khả năng, sức khỏe của từng đối tượng. Điển hình như Chương trình hỗ trợ sinh kế đang được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh triển khai thực hiện. Bà Vũ Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Kon Tum cho biết: Trong chương trình sinh kế thì gồm có hỗ trợ bò giống cho người khuyết tật nuôi, rồi hỗ trợ buôn bán nhỏ cho những người có điều kiện buôn bán mà họ không có vốn, rồi dạy nghề miễn phí, cụ thể là dạy nghề may dân dụng. Sau khi dạy nghề xong chúng tôi hỗ trợ máy may và phụ kiện kèm theo để sau khi về địa phương họ may vá và kiếm sống.

Theo số liệu  thống kế của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh có gần 10.000 người khuyết tật, trong đó có  gần 3.700 người khuyết tật được hưởng trợ cấp thường xuyên từ 180.000đ đến 360.000đ/người/ tháng. Ngoài ra, thông qua các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, hàng nghìn người trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ sinh kế và dụng cụ hỗ trợ vận động . . . Tuy nhiên,  hiện nay tỷ lệ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vẫn còn cao, do vậy rất cần sự chung tay góp sức để giúp đỡ người khuyết tật cải thiện  đời sống, từng bước hoà nhập với cuộc sống cộng đồng. Bà Lê Thị Kim Đơn,    Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Chúng tôi xác định rằng đối với người khuyết tật  thì có những hoàn cảnh hết sức đặc biệt, cho nên cần phải có sự quan tâm đặc biệt. Trong năm qua UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo thiết thực, tuy nhiên với sự quan tâm của Nhà nước cũng như của các nhà hảo tâm, sự hỗ trợ cho các đối tượng vẫn chưa bù đắp được những mất mát của họ, chúng ta còn phải làm rất  lâu dài. Qua đây một lần nữa tôi  mong muốn các nhà hảo tâm, những người có tấm lòng nhân ái hãy tiếp tục cộng đồng trách nhiệm để giúp đỡ người khuyết tật và cũng mong muốn người khuyết tật hãy cố gắng vượt qua những khó khăn của mình để hòa nhập cộng đồng.

Có thể nhận thấy, việc chung tay giúp đỡ của cộng đồng không chỉ giúp cho người khuyết tật xóa bỏ tự ti, mặc cảm, hòa nhập cuộc sống cộng đồng mà quan trọng hơn là đã có một bộ phần người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn phát triển kinh tế, tự kiếm sống bằng sức lao động của chính mình.

                                                                           Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *