(kontumtv.vn) – Trong những năm qua, ngoài những chính sách của Đảng và nhà nước, người khuyết tật và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan của những tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Sự giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần này đã giúp họ vượt qua những mất mát, tổn thương, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Đến nay, Kon Tum có khoảng trên 10.000 người khuyết tật và trẻ mồ côi được hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng. Bên cạnh sự trợ giúp từ ngân sách Nhà nước như trợ cấp hàng tháng, trợ cấp khó khăn đột xuất, nhiều tổ chức xã hội, đoàn thể như Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi … đã tổ chức nhiều đợt huy động các nguồn kinh phí để thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp, biểu dương khen thưởng người khuyết tật trong dịp lễ, Tết, khó khăn đột xuất. Riêng Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh năm 2013 đã hỗ trợ 1,2 tỷ đồng cho 5.000 lượt đối tượng được hưởng lợi thông qua việc cấp xe lăn, xe lắc, bò giống, hỗ trợ xây nhà ở, hỗ trợ buôn bán nhỏ… Những sự hỗ trợ đó đã giúp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi từng bước xoá bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập cộng đồng. Và mặc dù trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng có nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Kon Tum luôn chung tay cùng hội Bảo trợ NKT&TMC làm tốt công tác bảo trợ xã hội.

Chính quyền địa phương cũng dành nhiều sự quan tâm, ưu đãi cho người khuyết tật và trẻ mồ côi. Huyện Kon Rẫy là một trong những địa phương làm tốt công tác này. Huyện có 337 người khuyết tật và 225 trẻ em mồ côi. Ngoài việc chi trả số tiền trợ cấp thường xuyên theo quy định, huyện còn tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia vào các hoạt động xã hội, học văn hóa, học nghề. Đối với trẻ em mồ côi, hàng năm, huyện đều tổ chức diễn đàn vì trẻ thơ. Qua đó, ghi nhận những nguyện vọng, mong muốn của các em để xây dựng kế hoạch hành động hoặc có sự điều chỉnh trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong tình hình mới theo yêu cầu và đảm bảo quyền, lợi ích cho trẻ em.

Cùng với việc hỗ trợ, chăm sóc người khuyết tật và trẻ mồ côi, việc dạy dỗ trẻ em khuyết tật và trẻ em mồ côi có kỹ năng, kiến thức, hòa nhập với cộng đồng cũng đã được tỉnh rất quan tâm. trường Tiểu học Quang Trung, Thành phố Kon Tum hiện đang nuôi dưỡng, dạy dỗ 34 em học sinh mồ côi và 49 em khuyết tật. Thầy giáo Lê Trung Nghĩa, hiệu trường nhà trường cho biết: Chúng tôi  phân chia các em học sinh này vào nhiều lớp, mỗi lớp từ 2 đến 3 em để mỗi cô giáo trong nhà trường có điều kiện giáo dục các em tốt hơn. Đối với các em học sinh ở Trung tâm, do điều kiện ở Trung tâm còn nhiều hạn chế, nhà trường hỗ trợ thêm sách vở và vận động  học sinh trong trường chia sẻ về sách vở, đồ dùng học tập hàng ngày cho các em. Qua giáo dục của trường, tôi thấy các em tự tin nhiều.

Sự nghiệp trồng người đối với những em học sinh bình thường vốn luôn đặt lên vai các nhà giáo dục trọng trách lớn, song việc dạy dỗ các em học sinh mồ côi và khuyết tật lại càng nặng nề và vất vả hơn. Trường Tiểu học  Quang Trung, thành phố Kon Tum có những điểm lớp dành cho trẻ khuyết tật của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Học sinh của những lớp học này gồm nhiều lứa tuổi  và mắc những khuyết tật khác nhau: em khiếm thị, em động kinh, em chậm phát triển…nên việc học của các em phụ thuộc vào sự chăm sóc và tình yêu thương của giáo viên ở đây. Do khiếm khuyết về thể chất và tinh thần, mỗi năm học của các em thường kéo dài 2 năm. Hầu hết giáo viên dạy các em ở những lớp học này chưa qua lớp đào tạo chính khóa nào về dạy trẻ khuyết tật và cũng không có bất cứ quy chuẩn nào cho lớp học. Những giáo viên ấy lên lớp bằng tình yêu thương. Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Thu, Trường Tiểu học Quang Trung chia sẻ: Phải thương, phải hiểu các em, các em bị thiểu năng trí tuệ tiếp thu chậm, có em bị tật vận động, có em bị động kinh, trong giờ học bị co giật, những lúc ấy phải gần gũi với các em. Lúc tôi chưa lên đây, nhiều người nói sợ, nhưng khi đã vào gặp các em, tìm hiểu hoàn cảnh từng em, dạy các em rồi mới thấy thương các em, thấy gắn bó với các em.

Từ những yêu thương chân thành ấy, những học sinh khuyết tật và mồ côi của trường đã vượt qua những mặc cảm của bản thân, trở thành những học sinh khá, giỏi của trường. Chính tình yêu thương của các thầy cô đã tiếp thêm nghị lực để các em có niềm tin và mơ ước.

Trong thời gian qua, công tác từ thiện xã hội trên địa bàn tỉnh có sự đóng góp của các bạn trẻ. Trong đó có Câu lạc bộ Vì trẻ em vùng cao, Chi hội Tôi yêu Kon Tum…Hoạt động của các nhóm bạn trẻ này đã mang lại hiệu quả tích cực và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng. Chi hội Tôi yêu Kon Tum được thành lập vào cuối năm 2012 với 34 thành viên chính thức và hàng trăm cộng tác viên, đều là những bạn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X. Bằng nhiều hình thức tự gây qũy, các bạn đã từng giúp đỡ trẻ em vùng sâu, vùng xa như xã Đăk Nên, Đăk Rin – huyện Kon Plông, xã Mường Hoong, Ngọc Linh – huyện Đăk Glei.

Gia đình bà Trần Thị Liên, tổ dân phố 5, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum thường được gọi bằng cái tên gia đình xương thủy tinh bởi cả bà và 3 người con đều bị căn bệnh quái ác này. Chỉ cần sơ suất nhỏ hoặc vô tình vấp ngã là mẹ con chị bị gãy chân, gãy tay. Chẳng thể làm việc gì khác, mọi thu nhập của gia đình đành phải trông chờ vào những đồng tiền làm thuê, làm mướn ít ỏi của người chồng. Năm 2013, bà được Chi hội Tôi yêu Kon Tum hỗ trợ gầy dựng quầy hàng, tuy không lớn nhưng nó phù hợp với sức khỏe của bà, đỡ đần phần nào để nuôi giấc mơ đến trường của cô con gái lớn. Bà tâm sự: Mấy đứa con khi sinh ra cũng bình thường như những đứa trẻ khác, rồi nuôi nó lớn lên, ăn học đến lớp 5, lớp 6 thì đứa này gãy, đứa kia gãy … gia đình cũng buồn phiền, không biết nói làm sao chứ thấy con cái vậy nó cũng khổ. Từ khi có quầy hàng của I love Kon Tum hỗ trợ, buôn bán cũng có đồng tiền chi tiêu trong gia đình và cho con bé ăn học hàng tháng, cũng đỡ vất vả cho gia đình.

Tuy nhiên, những sự hỗ trợ đó cũng chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận người khuyết tật và trẻ mồ côi. Phần lớn họ còn đang phải sống trong khó khăn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, hiện nay toàn tỉnh có trên 10.000 người khuyết tật và trẻ mồ côi. Trong đó, khoảng 2.000 người không còn khả năng vận động, gần 500 người không có khả năng phục vụ và gần 2.800 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đối với người khuyết tật, được tiếp cận với các dịch vụ xã hội như chỉnh hình phục hồi chức năng, chăm sóc sức khoẻ, học văn hoá, học nghề, vay vốn, tạo việc làm… còn hạn chế.

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Những tổn thương của những đứa trẻ mất mẹ mất cha, những thiệt thòi của những con người sinh ra đã khiếm khuyết một phần thân thể rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của xã hội để tiếp thêm ngọn lửa nghị lực, giúp họ vượt qua nỗi đau, hòa nhập với cộng đồng. Và để làm được điều đó, cần nhiều hơn nữa những cảm thông, sẻ chia và chung tay của cộng đồng.

Linh Thủy – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *