(kontumtv.vn) – Việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thời gian qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum bước đầu đã được các doanh nghiệp chú trọng thực hiện, qua đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín đối với người tiêu dùng.
Là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, doanh nghiệp Thái Hòa đã tiến hành đăng ký và được cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa các sản phẩm như rượu Ngọc Linh Sâm dây – Ngũ vị tử, rượu Sâm Việt, rượu Sâm Ngọc Linh, rượu Ngũ Giao. Năm 2015, Công ty TNHH Thái Hòa sẽ tiếp tục đăng ký chứng nhận hàng hóa các sản phẩm khác như Thái Hòa phong thấp hoàn, trà Linh chi, Trinh nữ hoàng cung, trà Ngũ vị tử, Hà thủ ô, Diệp hạ châu để thu hút thêm nhiều khách hàng trong cả nước. Chị Nguyễn Thị Thúy Dung, Công ty TNHH Thái Hòa nói: “ Công ty luôn đặt thương hiệu lên hàng đầu, luôn đăng ký nhãn mác trước khi sản xuất, bởi vì đơn vị luôn mong muốn rằng quá trình sản xuất của mình không chỉ dừng lại trong tỉnh Kon Tum mà có thể phát triển ra thị trường cả nước, hướng ra xuất khẩu nước ngoài. Để mọi người tin tưởng sản phẩm của mình, Công ty luôn đăng ký nhãn hiệu để đảm bảo sự tin cậy trong tất cả mọi người”.
Từ 2010 đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã làm thủ tục sở hữu công nghiệp với 50 sản phẩm trên địa bàn, bao gồm 3 đơn sở hữu, 1 đơn sở hữu kiểu dáng công nghiệp, 1 đơn sở hữu chỉ dẫn địa lý và 45 đơn sở hữu nhãn hiệu hàng hóa. Qua kiểm tra, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp bằng sở hữu cho 35 nhãn hiệu hàng hóa liên quan đến các sản phẩm như đường kính trắng, cà phê, rượu sim, sâm Ngọc Linh…Ông Huỳnh Trung Kim, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum cho biết: “Các chính sách đối với sở hữu trí tuệ hiện nay thì thứ nhất là hỗ trợ về công tác thông tin, tuyên truyền. Thứ hai là về tư vấn, dịch vụ cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có phát minh, sáng chế các kết quả nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ. Thứ ba là hỗ trợ về ứng dụng khai thác hoạt động sở hữu trí tuệ, ví dụ như hoạt động chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ để phục vụ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu”.
Nhìn chung, việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức khiêm tốn do nhận thức của doanh nghiệp về vấn đề này chưa cao. Vì vậy, trong năm 2015 này, Sở KH&CN sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Sở hữu trí tuệ thông qua website, bản in KH&CN và chuyên mục KHCN phát trên sóng Đài PT-TH Kon Tum; phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và các đơn vị dịch vụ tư vấn về sở hữu trí tuệ tổ chức hội nghị đào tạo, tập huấn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến việc sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý về phát triển Sâm Ngọc Linh tại hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Ông Huỳnh Trung Kim nói: “Sở sẽ kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực tham gia Dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của tỉnh Kon Tum đến năm 2020, đã được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2013. Trong đó có hỗ trợ về đổi mới công nghệ, hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế, hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp”.
Có thể nói, việc thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là việc làm rất quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững trong giai đoạn thương mại hóa toàn cầu như hiện nay.
Tấn Thành – Công Luận