(kontumtv.vn) – Do chưa có Nhà xuất bản, hiện nay việc in ấn, xuất bản trên địa bàn tỉnh Kon Tum phần lớn do Sở tỉnh cấp phép, trong đó hầu hết là các tài liệu, ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, kỷ yếu các hội nghị, hội thảo. Tuy không mang hình thức kinh doanh, nhưng việc quản lý công tác xuất bản luôn được Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị quan tâm, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Là tổ chức hội hoạt động trên lĩnh vực sáng tác nghệ thuật, những năm qua, ngoài Tạp chí Văn nghệ định kỳ 2 tháng 1 số, Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Kon Tum còn thường xuyên xuất bản, quảng bá các ấn phẩm thơ, nhạc, truyện ngắn của tập thể và các cá nhân của hội viên. Trong đó có những ấn phẩm do Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép và tổ chức in tại tỉnh, nhưng cũng có những tác phẩm liên kết với các nhà xuất bản trong nước như Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Lao động, Nhà xuất bản Đà Nẵng in ấn. Cho dù được in ấn ở đâu, nhưng các quy trình tổ chức xuất bản vẫn được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh quan tâm thực hiện đúng qui trình. Ông Lại Hữu Kim, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Kon Tum cho biết: “Công tác xuất bản trong những năm qua thực hiện đúng theo luật về xuất bản. Về quy trình thì căn cứ vào các đề tài đăng ký, các tác phẩm cũng như các công trình của tập thể và của cá nhân, có bản thảo, tổ chức bản thảo tốt, bản thảo chi tiết và có nghiệm thu, có thẩm định, có hội đồng xét duyệt, rồi bảo đảm được nội dung, hình thức thì chúng tôi gửi đến các cơ sở cấp phép”.

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, những năm qua, hoạt động in, xuất bản, phát hành các ấn phẩm, tài liệu trên địa bàn được tăng cường và phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh có 5 cơ sở in xuất bản phẩm đủ điều kiện hoạt động do Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép. Trung bình hàng năm Sở đã thẩm định và cấp khoảng 150 giấy phép xuất bản, tài liệu không kinh doanh cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, tương ứng với trên 20 triệu trang in tiêu chuẩn. Nhìn chung, các nội dung in xuất bản phẩm của các cơ quan, đơn vị đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Trưởng Phòng Báo chí – Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kon Tum nói: “ Chúng tôi thường xuyên theo dõi kiểm tra đọc lưu chiểu báo chí, các ấn phẩm được Sở Thông tin cấp phép, qua đó kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản, đảm bảo cho các loại ấn phẩm, tài liệu đúng định hướng chính trị, tư tưởng, không vi phạm điều 10 của Luật Xuất bản”.

Tuy việc tổ chức xuất bản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chưa có sai phạm, nhưng theo phản ánh của một số cơ quan, đơn vị, việc tổ chức xuất bản chung trong nước vẫn có những vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh đó vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chậm nộp bản lưu chiểu sau khi xuất bản, thực hiện quảng cáo trái phép trên ấn phẩm xuất bản; một số đơn vị còn thiếu đầu tư nên hình thức trình bày và chất lượng in xuất bản còn kém; việc nhân bản, photocopy trái quy định còn xảy ra. Ông Nguyễn Minh Thiện nói: “Trong thời gian đến phải mạnh tay hơn nữa trong quá trình kiểm tra, kiểm soát các hoạt động in, kể cả photocopy; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất bản và phát hành; tăng cường công tác quản lý một số xuất bản ấn phẩm, văn hóa phẩm, ngăn chặn xuất bản in và phát hành lậu trái phép. Nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu các công ty in, nâng cao trình độ, năng lực công tác đọc lưu chiểu, qua đó để phát hiện, xử lý kịp thời những ấn phẩm kém chất lượng”.

Cùng với các phương tiện thông tin đại chúng, công tác in, xuất bản phẩm là một trong những công cụ thông tin, tuyên truyền rất hữu ích và có tác dụng lâu dài. Việc tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất bản là nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy hơn nữa vai trò xuất bản trong công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương.

Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *