(kontumtv.vn) – Trong lịch sử đấu tranh cách mạng tỉnh Kon Tum, sau sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên trong Nhà lao Kon Tum ngày 25/9/1930, trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh, thì sự kiện Cuộc đấu tranh “Lưu huyết” ngày 12/12/1931 của các chiến sĩ Cộng sản lao tù chống lại chế độ khổ sai, giết người dã man của thực dân Pháp đối với tù chính trị đã đi vào lịch sử, trở thành một biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, kiên trung của những người con đất Việt.

Đã từ lâu, ngày 12/12 hàng năm, người dân Kon Tum thường gọi là ngày “Giỗ Ngục”. Ngoài việc dâng hương, hoa để tưởng nhớ đến các vị anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh vì nghĩa lớn, ngày này người dân Kon Tum thường đến viếng thăm để tỏ lòng thành kính, tri ân những người con đất Việt đã dũng cảm hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, thực dân pháp đã bắt bớ hàng loạt chiến sỹ Cộng sản đưa lên giam giữ ở Kon Tum. Mục đích của chúng là lợi dụng nơi rừng thiêng nước độc, xa xôi hẻo lánh để giết dần, giết mòn những người tù chính trị mà không sợ mang tai tiếng, dư luận. Công trường làm đường Đăk Pét, Đăk Pao là nơi có số tù chết chiếm kỷ lục cao nhất lúc bấy giờ. Chỉ trong 6 tháng mùa khô năm 1931, đã có trên dưới 200 trong số 295 người phải bỏ mạng trên công trường này. Không chịu cúi đầu nhìn anh em  bị đẩy vào con đường chết, những người tù chính trị đã kết liên lại để tìm cho nhau  con đường sống, cương quyết phản đối việc bắt tù nhân đi làm con đường 14 lần thứ hai.

Viếng Ngục Kon Tum
Viếng Ngục Kon Tum

“…Sáng ngày 12/12/1931, thực dân Pháp lại đòi 40 người tù chính trị đi lao động khổ sai ở Đăk Pét lần thứ hai, thì cuộc đấu tranh lưu huyết đã xảy ra. Lúc này, những người tù chính trị đã chạy vào nhà lao, đóng chặt cửa lại và đồng thanh hô vang khẩu hiệu là: Phản đối đi Đăk Pét! Phản đối chế độ thực dân cai trị! Thằng Pháp hỏi: Tại sao chúng mày không đi? Đồng chí Nguyễn Huy Lung, người mang số tù 299 đã nói: “Chúng tao nhất quyết không đi. Vì lần trước đi có 6 tháng mà anh em chúng tao chết 2/3, thà chúng tao chết ở đây còn hơn.

Thấy tù chính trị có thái độ rất cương quyết nên tên lính Pháp không dám làm gì, chỉ nhìn mặt đồng chí Nguyễn Huy Lung và số tù của đồng chí rồi quay về báo cáo với cấp trên của chúng. 30 phút sau, bọn Công sứ và binh lính kéo nhau ồ ạt đến, súng đạn sẵn sàng chĩa vào nhà lao ngoài.

Lúc này thằng Pháp chỉ xuống nhà lao và gọi: Thằng 299 đâu? Anh em đồng thanh trả lời: Không có 299. Đả đảo đi Đăk Pét! Lúc đó đồng chí Trương Quang Trọng, người mang số tù 303 đã băng ra cửa nói: Nó đây! Thì thằng Pháp bóp cò, đồng chí Trọng đã hi sinh. Khi đồng chí Trọng ngã xuống, đồng chí khác tiến lên hô vang khẩu hiệu. Cứ như thế trong vài phút chúng đã bắn chết 8 đồng chí và nhiều đồng chí khác bị thương rồi chúng chôn vùi 8 đồng chí chung một hố. Máu tươi của các đồng chí đổ lênh láng khắp nhà tù nên những người tù còn lại lúc bấy giờ đặt tên là cuộc đấu tranh lưu huyết”. ( Theo Bảo tàng tỉnh Kon Tum)

Trong niềm đau thương vô hạn, nỗi uất hận khôn lường, các tù nhân càng siết chặt đội ngũ, đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh, tuyệt thực để phản đối đi làm đường, phản đối hành động giết người tàn bạo của kẻ địch. Nhận thấy không thể lay chuyển được tinh thần, ý chí đấu tranh kiên quyết đến cùng của tù chính trị, sáng 16/12/1931, thực dân Pháp một lần nữa nã súng tàn sát cuộc đấu tranh tuyệt thực làm cho 7 đồng chí hy sinh và 8 đồng chí bị thương, đồng thời lập tức áp giải, phân tán số tù nhân còn lại, dập tắt cuộc đấu tranh.

Tuy bị kẻ thù đàn áp dã man, song cuộc đấu tranh Lưu huyết đã có tiếng vang lớn trong dư luận thế giới, buộc thực dân Pháp phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc và chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của anh em tù chính trị, từ bỏ việc xây dựng con đường 14, đóng cửa và giải tán bộ máy nhà Ngục Kon Tum vào năm 1934. Quá khứ đã lùi xa, nhưng hình ảnh những người tù chính trị đã ngã xuống vì công lý, nhân phẩm con người, vì độc lập tự do cho đất nước  luôn sống mãi trong trái tim người dân Kon Tum.

Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *