(kontumtv.vn) – Sau Đăk Tô – Tân Cảnh, Chiến thắng Đăk Pét là một trong những thắng lợi đỉnh cao của chiến tranh nhân dân tại Kon Tum, xóa sổ hoàn toàn hệ thống ấp chiến lược và tuyến phòng ngự cuối cùng của Mỹ – Ngụy trên địa bàn chiến lược Bắc Tây Nguyên, giải phóng hoàn toàn huyện Đăk Glei. 40 năm đã trôi qua, nhưng những chiến công vang dội, thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt của quân và dân hai huyện H30, H40 cũ và bộ đội chủ lực B3, vẫn còn lưu mãi và ngày càng tô đậm thêm truyền thống cách mạng kiên cường của nhân dân các dân tộc huyện Đăk Glei.
Chiến tranh đã đi qua từ lâu, nhưng chiến thắng hào hùng, tiêu diệt khu căn cứ quân sự Đăk Pét ngày 16/5/1974 vẫn còn lưu mãi về sau. Trên tấm bia Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pét tại trung tâm huyện Đăk Glei đã ghi nhận: Sau 4 giờ giao tranh, toàn bộ quân địch ở cứ điểm Đăk Pét và quận lỵ Đăk Pét đã bị tiêu diệt và bắt làm tù binh, trong đó có 403 tên bị bắt sống cùng toàn bộ Ban Chỉ huy Tiểu đoàn biệt động 88 của địch; tiêu diệt 130 tên, thu và phá hủy 3 xe tăng, 14 khẩu đại bác và cối hạng nặng, 110 súng các loại. Đây là căn cứ quân sự quan trọng của địch án ngữ đường 14 và tuyến hành lang biên giới Việt – Lào. Ông A Mía (xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei), nguyên Trung đội phó Huyện đội H30, người từng tham gia đánh nhiều trận ở cứ điểm Đăk Pét cho biết, đây là trận đánh giằng co và quyết liệt nhất: “Một năm 3, 4 trận. Năm 1966, 1967 đánh liên tục. Đánh trước, đánh ngoài, vừa đánh phá rối, vừa đánh đồn, vừa phá ấp. Năm 1972 là đánh dồn dập, không giải phóng đồn mà đánh từ ngoài thôi, để tiêu hủy căn cứ địch, làm hoang mang dao động tinh thần địch. Cả chủ lực, cả anh em địa phương, cả người dân nữa đều tham gia. Đến năm 1974 mới giải phóng toàn bộ căn cứ Đắk Pét”.
Ông Lê Văn Bường, nguyên Chính trị viên Đại đội 4 công binh, Quân đoàn 3, người trực tiếp tham gia trận đánh cứ điểm Đăk Pét, hiện ở thị trấn Đăk Glei, nhớ lại: “Đánh Đăk Pét này khó khăn lắm, ta đã đánh nhiều lần rồi nhưng không thắng được. Người ta nói: Gạo hết Đăk Pét vẫn còn, là vì đi ra đi vào, đánh nhiều lần mà không thắng được. Do đó lần này, lần cuối cùng – trận 16/5, quyết định của cấp trên, của Trung đoàn đã chỉ đạo giao nhiệm vụ phải đánh thắng. Nên dù khó khăn, thiếu thốn về lương thực, đạn dược, nhưng bộ đội ta quyết tâm tăng huấn, chỉnh quân để đánh thắng, trận cuối cùng để giải phóng Đăk Pét thì tập trung toàn quân để mà đánh”.
Với tinh thần quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng, ngày 16/5/1974 đã đi vào lịch sử, trở thành ngày giải phóng hoàn toàn huyện Đăk Glei, đập tan tuyến phòng ngự cuối cùng của Mỹ – Ngụy trên địa bàn chiến lược Bắc Tây Nguyên, mở ra một bước ngoặt mới trong đời sống của nhân dân các dân tộc nơi đây. “Mỹ chiếm đóng Đăk Pét hơn 10 năm. Đời sống nhân dân cực khổ lầm than, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc, muối không có mà ăn, đường sá, cầu cống, chợ búa không có, sống trong đêm tối mịt mù. Hàng ngày giặc đưa B52 ném bom H30, thả chất độc màu da cam. Dân đói lắm, và chết chóc đau thương, dân khổ nhất. Nhờ cách mạng, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, vạch ra con đường là đánh Đăk Pét để giải phóng Đăk Pét. Từ đó dân được nhờ, Đảng đã đem ánh sáng xóa tan cái mịt mù, tối tăm trong chế độ Mỹ – Ngụy trước đây”. Già làng A Lê Ang, làng Đăk Loi, Xã Đăk Pét nhớ lại.
Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, dũng cảm, sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Glei lại càng ra sức xây dựng quê hương, tăng gia sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội, tạo sự thay đổi đáng kể về mọi mặt đời sống nhân dân. Ông Nguyễn Phúc Phận, Bí thư Huyện Ủy Đăk Glei đánh giá: “Đời sống nhân dân trong huyện đã có nhiều khởi sắc. Đã chuyển sản xuất từ tự cung tự cấp là chính sang sản xuất hàng hóa. Trên cơ sở nghị quyết của Huyện ủy, đã xác định các tiểu vùng để phát triển các loại cây trồng. Các xã phía nam Đăk Môn, Đăk Long, Đăk Kroong phát triển cây cao su. Các xã phía bắc, như Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Choong, Xốp, Đăk Man, Đăk Blô, thì phù hợp với cây cà phê catimor, cà phê chè, huyện đang chỉ đạo mở rộng các cây công nghiệp này. Còn về lĩnh vực xã hội thì các xã bây giờ 100% xã có bác sĩ khám chữa bệnh, hệ thống giáo dục thì trường lớp đã phát triển, đặc biệt là hệ thống các trường bán trú”.
40 năm chiến thắng Đăk Pét, là cũng từng ấy năm người thương binh Hoàng Cộng Sản, chiến sĩ Quân đoàn 3 năm xưa đã gắn bó với mảnh đất Đăk Glei. Từng đổ mồ hôi, xương máu cho hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, ông càng thấy rõ những giá trị của cuộc sống hôm nay: “40 năm ở chiến trường Tây Nguyên nói chung và huyện Đăk Glei này đã đổi thay rất nhiều. Nhờ Đảng, Nhà nước, huyện Đăk Glei phát triển rất mạnh, đến nay đã có Đường Hồ Chí Minh thông thương, dân tình rất phấn khởi. Dân tin Đảng, Đảng tin dân, kinh thượng và mọi tầng lớp nhân dân ở huyện Đăk Glei đã đoàn kết để xây dựng cuộc sống ấm no”.
“Phát huy truyền thống anh hùng của huyện nhà, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN Xã Đăk Pét tiếp tục chỉ đạo phát huy truyền thống yêu nước, phát huy tình đoàn kết của các dân tộc trên địa bàn xã Đăk Pét để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Huyện Đảng bộ, của HĐND Huyện và HĐND xã đề ra trong phát triển kinh tế xã hội và giữ gìn tốt nhất an ninh trật tự trên địa bàn xã Đăk Pét”. Ông Đỗ Sum, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND Xã Đăk Pét phát biểu.
40 năm đã trôi qua, Chiến thắng Đăk Pét luôn là niềm tự hào của người dân Đăk Glei. Tưởng nhớ công lao và sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước, cán bộ, nhân dân huyện Đăk Glei càng càng thêm tin tưởng và quyết tâm nỗ lực, phấn đấu để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Quang Mẫn – Duy Phong