(kontumtv.vn) – Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy là kết tinh của tinh thần, ý chí, sức mạnh Việt Nam. Trong mối quan hệ tổng hòa ý chí và sức mạnh của toàn quân, toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, sự đóng góp to lớn của hơn 260.000 dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong trong chiến dịch đã góp phần làm nên thắng lợi hoàn toàn. 60 năm đã qua, cùng với nhiều địa phương trong cả nước, địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn  còn những chiến sĩ Điện Biên một thời là dân công hỏa tuyến. Ký ức về những ngày góp sức cho chiến dịch còn in đậm trong tâm trí bà Trịnh Thị Mười ở thôn 2, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum.

Đầu năm 1954, mới 17 tuổi và đang tham gia công tác thanh niên ở xã Triệu Sơn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, bà Trịnh Thị Mười đã tình nguyện đăng ký  đi dân công, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên xa nhà, gặp bao khó khăn, vất vả trên đường, chứng kiến không ít bạn đồng lứa không chịu được gian khổ đã rời bỏ hàng ngũ, nhưng với quyết tâm cao, bà và nhiều anh chị em đã  không chùn bước. “Không bao giờ được đi ban ngày mà chỉ đi ban đêm thôi. Có những chỗ không có nước, đi tìm nước không ra. Sáng đi tiếp mấy cây số nữa mới tìm thấy nước, rất chi là khổ. 6 tháng mùa mưa, mùa mưa trên Điện Biên cứ có đám mây là có trận mưa, chứ không như ta dưới đây. Chúng tôi đi một tháng 12 ngày mới lên đến nơi. Đến nơi mới bắt đầu phân công nhiệm vụ, đơn vị C của tôi làm nhiệm vụ cáng thương binh”. Bà Trịnh Thị Mười nhớ lại.

DCong

Bà Trịnh Thị Mười kể chuyện tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Ở chiến trường, công việc đầu tiên bà Mười được giao là chuyển bộ đội bị thương từ mặt trận ra nơi cứu chữa. Người nhỏ, gầy nên mỗi lần cáng thương, bà được các anh chị mạnh khỏe hơn đỡ cho phần khó nhọc. Có khi trong nhóm 3 người, bà được ưu tiên không phải cáng nặng mà chỉ chống gậy, dò đường giao thông hào để các anh chị đi sau cáng thương khỏi lỡ bước, sập hố. Bà kể: “Ra mặt trận nhìn thấy các anh bộ đội tôi còn thương hơn cha hơn mẹ. Vì vừa chịu khổ sở, mưa gió, vừa ăn cơm mốc, có khi còn nhịn đói, mà vẫn kiên trì để phục vụ, để mà đánh thắng thằng giặc. Phải công nhận người Việt Nam mình dũng cảm. Không biết cơ trời vận nước ra sao, từ già đến trẻ, từ lính cho đến dân quân đều đồng loạt một lòng chống giặc. Đến bây giờ nghĩ lại, thấy đúng là cơ trời vận nước, Bác Hồ lãnh đạo đất nước mình thoát khỏi  nạn lớn, chứ ngày trước còn giặc khổ lắm”.

Do sức khỏe không đảm bảo, nên sau một thời gian cáng thương, bà Mười được chuyển sang làm hộ lý và cấp dưỡng, phục vụ thương binh ở tuyến sau. Chừng 2 tháng phục vụ chiến trường, nhưng đó thực sự là thời gian vô cùng có ý nghĩa đối với cô gái quê cần cù, chịu khó, là nguồn sức mạnh giúp bà vượt qua những  gian khổ, khó khăn trong cuộc sống sau này. 60 năm sau ngày Điện Biên khải hoàn, bà Mười vui mừng, cảm động khi vinh dự được trở lại thăm chiến trường xưa trong chuyến đi “ Về nguồn” cùng đoàn đại biểu cựu thanh niên xung phong và chiến sĩ Điện Biên của tỉnh Kon Tum. Bà phấn khởi: “Lên Điện Biên  bây giờ đường sá thông thoáng, sạch sẽ, phong quang, dễ đi. Năm xưa các bà đi mới có ủi thành đường, chưa có gì cả, cho nên đi nó khổ. Bây giờ lên Điện Biên sướng hơn Hà Nội nhiều, thoáng hơn, đẹp hơn Hà Nội nhiều. Từ đường sá tới thành phố, đẹp lắm !”

Nhớ về một chặng đường gian khổ đã qua, người nữ dân công hỏa tuyến năm xưa càng tự hào, vui sướng vì đã đóng góp một phần công sức  nhỏ bé phục vụ chiến dịch.

                                                                                Nghĩa Hà – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *