(kontumtv.vn) – Với tiềm năng hơn 23.000 ha mặt nước ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, Kon Tum có nhiều thuận lợi trong việc tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, ngày 5/6 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Kon Plông tổ chức thả 40.000 con cá giống rô phi, trắm cỏ, chép xuống lòng hồ Thủy điện Đăk Đrinh tại địa bàn xã Đăk Nên. Trước khi thả cá giống xuống lồng hồ thủy điện, Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND xã Đăk Nên tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân địa phương về việc bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên.

Thả cá xuống lòng hồ thủy điện
Thả cá giống xuống lòng hồ thủy điện

Việc thả các loại cá giống  vào tự nhiên không chỉ nhằm bổ sung nguồn giống thủy sản, giúp phục hồi, tái tạo nguồn lợi, tạo cân bằng môi trường sinh thái mà còn nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng và giá trị của nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên. Ông Phạm Quốc Long, Trưởng Phòng Thủy sản, Sở NN&PTNT cho biết: “Trong những năm qua ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chương trình bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Kon Tum đến năm 2020, trong đó một số hoạt động chính của chúng tôi  tổ chức hàng năm là tập huấn, tuyên truyền để  người dân sống ven các hồ chứa và cán bộ các xã, phường nắm rõ, hiểu biết về Luật Thủy sản. Hoạt động thứ hai là hàng năm chúng tôi tiến hành thả cá giống xuống một số hồ chứa thủy điện, thủy lợi để nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trên đó”.

Để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả, các phòng chuyên môn và các đơn vị chức năng của Sở NN&PTNT tỉnh đã phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ  người dân sống ven hồ chứa, đập thủy lợi thực hiện nuôi cá lồng, nhằm chuyển đổi phương thức sản xuất của người dân. Chuyển từ đánh bắt, khai thác thủy sản tự nhiên sang chăn nuôi cá lồng có năng suất cao, hiệu quả kinh tế lớn, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho một bộ phận dân cư quanh hồ chứa. Ông Dương Anh Hùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kon Plông nói: “ Trên cơ sở lợi thế của địa phương, huyện Kon Plông đã đề xuất UBND tỉnh qui hoạch nuôi cá trên các lòng hồ thủy điện, đến nay qui hoạch đã được phê duyệt, Sở NN&PTNT đã tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ cho huyện tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại lòng hồ thủy điện là điều kiện để huyện Kon Plông phát triển một nghề mới, đó là  nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện”.

Hiện nay, toàn tỉnh đã phát triển nghề nuôi cá trên 600 ha ao hồ nhỏ và 1.000 ha hồ chứa thủy lợi, lòng hồ thủy điện. Các loại cá nuôi chủ yếu là trắm cỏ, rô phi, chép, mè, diêu hồng … sản lượng bình quân đạt khoảng 640 tấn/năm. Việc khai thác diện tích ao hồ, lòng hồ thủy điện để phát triển nghề nuôi  thủy sản  đã được các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh quan tâm.

Tuy vậy, để khai thác, phát triển hiệu quả nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, tỉnh Kon Tum cần sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa. Ông Phạm Quốc Long đề nghị: “Hiện nay lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh hầu như không có, đặc biệt là tại các xã có hồ chứa. Hy vọng  trong thời gian tới được sự quan tâm của tỉnh, sẽ củng cố lực lượng để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, triển khai hoạt động  này để công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên các hồ chứa ở địa bàn tỉnh có hiệu quả”.

Tin tưởng rằng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với sự  nỗ lực của ngành chức năng, các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh, chắc chắn hoạt động  bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên của tỉnh Kon Tum sẽ đạt được những kết quả khả quan.

                                                                   Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *