(kontumtv.vn) – Năm 2018, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn, Đảng bộ, chính quyền xã Đăk Ang (Ngọc Hồi, Kon Tum) tích cực triển khai Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; giúp người dân từng bước thoát nghèo.

Đăk Ang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Hồi. Xã có 8 thôn, làng với gần 1.100 hộ dân; trong đó hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số Sê Đăng. Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ, chính quyền xã tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ. Năm nay, xã tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tạo điều kiện để bà con từng bước vươn lên phát triển kinh tế. Đầu tháng 6/2018, từ nguồn ngân sách huyện hơn 180 triệu đồng, xã phân bổ kinh phí 150 triệu đồng triển khai Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Gần 20 hộ nghèo trên địa bàn được cấp cây giống cà phê, trung bình mỗi hộ từ 550 – 650 cây, trồng trên tổng diện tích hơn 10 ha. Anh A Bia (thôn Đăk Xút, xã Đăk Ang) nói: “Năm ngoái, năm kia nhà mình cũng trồng trước hơn 01 ha rồi. Năm nay Nhà nước, xã quan tâm hỗ trợ cho tôi 630 cây. Theo tôi nghĩ muốn cải thiện cuộc sống là phải cố gắng trồng cây lâu năm”.

Trồng cà phê trên đất nương rẫy
Trồng cà phê trên đất nương rẫy

Ngay khi nhận được cây giống cà phê do xã hỗ trợ, các hộ nhanh chóng triển khai trồng và chăm sóc. Nhiều gia đình phấn khởi, tích cực học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm bón vườn cây, chủ động phòng, trừ sâu bệnh hại trên diện tích trồng, nhất là trong mùa mưa.

Tiếp tục Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, bắt đầu từ tháng 10/2018, xã triển khai thí điểm mô hình trồng bắp trên diện đất cải tạo, ven sông bị bồi lấp, giúp người dân từng bước cải thiện thu nhập. Ông Nguyễn Ngọc Thất, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ang cho biết: “Chúng tôi triển khai trước tiên cho cán bộ kỹ thuật đi kiểm tra để nắm tình hình cụ thể và nhu cầu bà con, diện tích đất đai rồi lao động nó sát với thực tế. Thì tình hình thực tế từng năm, nhu cầu của bà con làm được mô hình gì và xã định hướng mô hình gì và trên định hướng cây trồng gì, vật nuôi gì thì chúng tôi triển khai cho bà con thực hiện”.

Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để bà con trên địa bàn thoát nghèo bền vững, hơn bốn năm trở lại đây, xã chú trọng phát triển diện tích cao su, bời lời, cà phê và một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn xã có khoảng 220 ha cao su, gần 500 ha bời lời và 170 ha cà phê. Thu nhập bình quân khoảng 22 triệu đồng/người/năm, tăng so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền xã Đăk Ang trong việc từng bước nâng cao đời sống, thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *