(kotumtv.vn) – Trong đời sống văn hóa, tinh thần của ĐBDTTS ở Kon Tum, cồng chiêng đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong bất cứ lễ hội nào. Cùng với chính sách bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, cồng chiêng đang dần được trả về đúng vị trí của nó trong đời sống cộng đồng của đồng bào. Nhưng, hiện nay ở hầu hết các thôn làng ĐBDTTS không còn có mấy người biết thẩm âm, chỉnh chiêng trong khi đây là việc làm vô cùng quan trọng, giúp chiêng giữ đúng âm sắc như nó vốn có.
Nghệ nhân đang chỉnh chiêng.
Thông thường, trước khi đem bộ chiêng vào phục vụ lễ hội, từ lễ lúa mới, lễ đầu năm, lễ đâm trâu, hay bỏ mả…, nghệ nhân của làng mang chiêng ra chỉnh sửa âm thanh cho đến khi đạt chuẩn nhằm làm cho lễ hội thêm sinh động. Theo các nghệ nhân đánh chiêng, trong dàn chiêng, nếu một chiếc bị lạc âm là những bài chiêng đánh ra nghe không hay, không thấu được đến Giàng. Bởi thế, người chỉnh chiêng được xem là hồn cốt của chiêng, họ đạt trình độ thẩm âm tinh tế. Ấy thế mà ngày nay, tìm người biết đánh cồng chiêng đã khó, người biết chỉnh cồng chiêng lại càng khó hơn.
Theo các nghệ nhân, phương pháp chỉnh chiêng tùy theo sáng tạo của mỗi người, nhưng nét chung khi chỉnh cho tiếng cao lên thì phải úp chiêng xuống, chỉnh cho tiếng trầm xuống thì phải ngửa chiêng lên, rồi dùng búa gõ từ nhẹ đến mạnh, từ ngoài vào trong để kéo tiếng chiêng theo ý muốn. Cứ thế, thao tác chỉnh chiêng của nghệ nhân không vội vã. Họ làm một cách tỉ mẩn, nắn nót, trau chuốt để trả lại cho chiêng tiếng chuẩn như ban đầu. Công việc này khó vô cùng, cần sự kiên trì và người chỉnh chiêng có thẩm âm tốt, thực sự am hiểu tường tận về cái hồn, về độ rung, sự lan truyền của chiêng.
Nghệ nhân Ksor Krôh ở Chưpah, tỉnh Gia Lai, nhưng từ nhiều năm nay, ông lên Kon Tum gần như thường xuyên. Hễ thôn nào, làng nào cần chỉnh chiêng ông đều có mặt. Ông làm không vì chuyện cơm gạo mà đó là vì tình yêu đối với cồng chiêng, đối với thứ thanh âm đặc trưng, mang hơi thở truyền thống dân tộc. Với tình yêu đó, dù đường sá xa xôi, hễ có người mời là ông lại khăn gói lên đường.
Thông lệ, cứ đến khoảng tháng 12 dương lịch hàng năm, khi công việc đồng áng, nương rẫy đã hoàn tất, lúa mới đã đầy kho, người Ba Na – Rơ Ngao ở xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà làm lễ cúng giọt nước, vừa để mừng 1 mùa vụ tốt tươi đã qua, và mong chờ 1 vụ mùa bội thu sắp tới. Ở cái tuổi gần đất xa trời, già A Ngleo thôn Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà là người lớn tuổi hiếm hoi của thôn, hiện ông đang nắm giữ một thứ rất quan trọng, đó là hồn chiêng của làng. Dù cái chân cái tay đã mỏi mệt, con mắt đã không còn tinh anh, cái tai cũng chẳng còn thính nhưng già A Ngleo vẫn là người duy nhất trong thôn có thể làm công việc ấy, đó là chỉnh chiêng về đúng âm sắc, để ngày hôm sau bộ chiêng này được đánh lên trong buổi lễ của thôn. Đồ nghề chỉnh chiêng của ông cũng thật đơn giản, chỉ là 1 cái búa. Ông nói: Khi đánh cồng chiêng, tôi nghe thấy tiếng nó bị lạc, nên tự mày mò sửa thôi, cũng chẳng học ở đâu. Cái búa này cũng tự mình làm thôi, không ai chỉ cho đâu.
Quả thật, được tận mắt chứng kiến những thao tác chỉnh chiêng với những dụng cụ rất đỗi đơn giản, thô sơ nhưng vô cùng hiệu quả, mới thấy được cái tài của người nghệ nhân. Hạnh phúc vì có người cha biết chỉnh chiêng nên ông A Pôm, (thôn Kon Hlốc, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) đã sớm biết đến công việc này. Biết chỉnh chiêng nhưng ông rất khiêm tốn. A Pôm nói ông chỉ biết sửa sơ sơ, gọi là cân chỉnh âm thanh cho nó đúng, khi tấu lên âm thanh không bị lạc, không làm mất đi ý nghĩa của bài chiêng, còn để tạo ra âm thanh cho những chiếc chiêng mới hay sửa lại những chiếc chiêng đã bị hỏng ông không thể làm được.
Số người biết chỉnh chiêng hiện giờ trên địa bàn tỉnh chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, mà những người này tuổi đã cao, sức đã yếu, không biết còn sống bao lâu nữa nên chính quyền và bà con rất lo, bởi họ là những người nắm giữ hồn của chiêng, người chỉnh chiêng còn thì cồng chiêng mới có thể gọi là tồn tại đúng nghĩa của nó. Ông A Kây, Phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đăk Hà băn khoăn: Có 1 thực trạng chúng tôi hết sức lo lắng, là tiếng chiêng qua quá trình sử dụng lâu năm sẽ bị thay đổi, không được tốt như xưa. Hiện nay nghệ nhân làm ra tiếng chiêng, chỉnh chiêng 1 cách chuyên nghiệp, thực thụ còn chưa có. Về vấn đề này chúng tôi đang rất băn khoăn, hiện huyện có 2 nghệ nhân gọi là biết sửa chút xíu thôi, để chỉnh tiếng hoàn chỉnh chưa có.
Người chỉnh chiêng hoàn toàn dựa vào cảm tính, song điểm chung ở chỗ, dù là cảm tính nhưng khi đánh lên tiếng chiêng phát ra âm thanh làm cho cảm xúc rạo rực khó tả ở mỗi người, đó là thể hiện sự đồng thanh tương ứng của cộng đồng. Nghệ nhân chỉnh chiêng thời nào cũng hiếm và cũng quý, song, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà gần như hiện nay ngành hữu quan hoặc ở thôn, làng khi mở lớp chỉ tập trung vào truyền dạy cồng chiêng mà chưa gắn với truyền dạy chỉnh chiêng. Theo đà này, sẽ đến lúc chẳng còn ai biết và nhận ra cái hồn xưa của chiêng.
Học đánh chiêng không khó, nhưng học chỉnh chiêng không dễ, ngay cả đối với người đánh chiêng giỏi cũng đã từng có những tâm sự như thế. Điều đáng mừng là con trai nghệ nhân A Pôm là A Huy cũng đã học theo nghề cha, biết chỉnh chiêng. Anh tâm sự: Ông già dạy cho mình đánh cồng chiêng, rồi mình dạy lại cho thanh niên trong làng. Giờ thì mình đánh chiêng cũng được, sửa chiêng cũng được.
Trong các lễ hội của thôn làng, bên nếp nhà rông, bên ánh lửa bập bùng, không thể thiếu tiếng cồng tiếng chiêng hùng tráng, vang vọng và điệu xoang nhịp nhàng, vòng xoang mở rộng của các già làng, trai gái người dân tộc thiểu số. Nhưng nhiều người lo lắng, liệu rằng mai đây những âm thanh diệu kỳ, trầm bổng ấy không có sự kế thừa truyền dạy, khi mà những người đi tìm hồn cho chiêng dần dà về với tổ tiên ông bà, không biết tiếng cồng chiêng có còn vang vọng, quyến rũ đúng nghĩa của nó nữa hay không.
Như Nguyệt – Duy Vỹ