(kontumtv.vn) – Ngày 07/5 năm nay, kỷ niệm tròn 60 Chiến thắng Điện Biện Phủ lừng lẫy. Năm tháng đã đi qua, song trong hành trang kỷ niệm của mỗi chiến sĩ Điện Biên năm xưa và trong ký ức của cả dân tộc Việt Nam, dấu ấn về chiến thắng vẫn còn nguyên vẹn. Vượt lên cả thời gian và tuổi tác, nỗi nhớ  về một thời gian khổ, hy sinh vẫn như theo suốt cuộc đời những người từng là chứng nhân lịch  sử.

Năm 1952, cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã bước sang một giai đoạn mới với những chuyển biến quan trọng. Đảng ta chủ trương chuẩn bị chuyển sang tổng phản công. Đầu năm này, bà  Trần Thị Liên (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum)  khi ấy là cô gái 20 tuổi tình nguyện đi thanh niên xung phong, biên chế vào Trung đội TNXP của xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đơn vị được lệnh hành quân qua biên giới, sang Na Phầu, Thà Khẹt (Lào), phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ đoàn kết với nhân dân nước bạn chống kẻ thù chung, đồng thời góp phần tạo thêm thế và lực cho ta trong cuộc kháng chiến. Bà nhớ lại” “Đi cả ngày cả đêm thì đến chỗ ngồi nghỉ, cho anh em ăn cơm. Chấm muối ăn thôi.  Đó là cái gian khổ thứ nhất. Gian khổ thứ hai là hồi đó Lào gian nhiều lắm . Nghe tiếng động, nó bắt được, nó tước hết thịt  hết da ra, nên phải đi không có tiếng. Muốn ho cũng không ho được, nó nghe được, nó sẽ đi lục tìm trong rừng  trong rú. Anh em bộ đội Lào cũng có nhiều người dẫn đường cho mình, đi trong rừng là họ đi trước, chặt vác hình mũi tên theo ám hiệu là mình  biết đường bình an. Hình mũi tên khác là có Lào gian, cứ theo đó mà đi”.

Gặp gỡ những CCB
Gặp gỡ những cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Cuộc kháng chiến ngày càng quyết liệt. Đầu năm 1954, cô gái xứ Thanh 17 tuổi Trịnh Thị Mười (thôn 4, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) xung phong  đi dân công hỏa tuyến lên Điện Biên phục vụ chiến dịch.“Không bao giờ được đi ban ngày mà chỉ đi ban đêm thôi. Có những chỗ,  nói bây giờ chứ, tiền trạm đi là không có nước, người ta chỉ tìm cho cái chỗ để nghỉ. Đến nơi, đôi chân bùn  thế ni nhưng chị em chỉ ngồi, không được nằm. Đi tìm nước không ra, sáng hôm sau còn đi mấy cây số mới tìm thấy nước”. Bà Mười kể.

60 năm trước, trong đội ngũ hàng chục vạn người từ khắp các tỉnh miền Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, có những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những người lính Cụ Hồ hiện còn sinh sống tại tỉnh Kon Tum. Người ít tuổi nhất giờ đã gần 80, lớp cao niên hơn cũng  cận kề  90. Mắt mờ, chân chậm, ốm đau bệnh tật, song các cụ  từng sống một thời máu lửa, đạn bom, vẫn rất hào hứng trong mỗi câu chuyện khi nhớ về kỷ niệm Điện Biên, nhắc lại những ngày tham gia chiến dịch. Ngày ấy, ông Lương Ngọc Khuê – người cán bộ kiến điền của xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc,tỉnh Thanh Hóa không chỉ tích cực vận động nam nữ thanh niên đi chiến dịch, mà bản thân cũng tình nguyện vào dân công hỏa tuyến, nhận lĩnh công việc thu dọn chiến trường. Bà Hoàng Thị Nhường hiện ở tại thôn H Mát, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum đã đi bộ cả tháng trời lên Suối Rút (Hoà Bình) để mở đường, đồng thời đảm nhận việc tu bổ, sửa chữa đường sá, phục vụ dân công, bộ đội. Trong vai trò người lính tiền phương, ông Nguyễn Quang Châu ở Trung đội thông tin của Sư đoàn 304 đêm ngày bám sát mặt trận, kịp thời thông tin, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của các cấp chỉ huy đến từng địa bàn, trận địa. Ông Vũ Hữu Như – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 45, Đại đoàn 351 vinh dự là người  bắn phát pháo đầu tiên, mở màn cho lực lượng pháo binh của ta nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa của địch trong trận Him Lam… Không chỉ tham gia cứu chữa, phục vụ thương binh ở trạm Quân y tiền phương trong trận chiến quyết  tử  ở Đồi A1, ông Đỗ Văn Giàng (Hiện ở tổ dân phố 2, phường Quang Trung) còn tham gia công tác tiếp nhận tù binh sau ngày chiến thắng…Ở từng địa bàn, cơ sở, với mỗi công việc khác nhau, song tất cả các cựu chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến, TNXP phục vụ chiến dịch năm xưa đều cùng chung một lòng nhiệt tình, tâm huyết, dốc sức phục vụ  kháng chiến  cho đến ngày thắng lợi.

60 năm đã đi qua, chiến thắng lẫy lừng đã để lại nhiều nghĩ suy, xúc cảm trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam mỗi khi lần giở lại những trang sử hào hùng của dân tộc. “Điện Biên rất ấn tượng với chúng tôi là đánh chậm thắng chắc, thứ hai là cách đánh của pháo binh. Chúng tôi cũng là đơn vị pháo, tuy là pháo nhỏ nhưng mà cũng được học về truyền thống, cách đánh của pháo binh Việt Nam. Kéo pháo vào đến giáp trận địa để đánh. Đây là cách đánh táo bạo, bất ngờ và chỉ có quân đội Việt Nam mới thực hiện được cách đánh như thế. Ở Điện Biên khác với chiến dịch Hồ Chí Minh là tiếp tế hoàn toàn bằng sức người, chứ không có xe pháo. Nhiều lắm là xe đạp, còn chủ yếu là sức người, thế mà vẫn đủ hàng ngàn tấn lương thực cho quân và dân tham gia chiến dịch Điện Biên. Đây là một  bất ngờ, thực dân Pháp cũng không thể ngờ rằng Việt Minh có đủ lương thực để  theo đuổi cuộc chiến đấu kéo dài  gần 2 tháng”. Ông Đào TrườngBay, cựu chiến binh thành phố Kon Tum nhớ lại với đầy lòng tự hào.

“Chín năm làm một Điện Biên”. 60 năm đã qua và trước mắt sẽ còn bao nhiêu mốc thời gian đang tới…Lịch sử đã khắc ghi. Nỗi nhớ một thời đang để lại. Tròn 6 thập kỷ đã lùi xa, âm vang chiến thắng vẻ vang sẽ là mạch nguồn không bao giờ cạn trong dòng chảy truyền thống, mà mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm nâng niu, trân trọng và phát huy, để  góp phần làm nên tầm vóc Việt Nam trong thời kỳ  hội nhập và phát triển.

                                                                                   Nghĩa Hà – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *