(kontumtv.vn) – Vượt qua khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã nỗ lực phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho công nhân lao động và góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum gặp nhiều khó khăn và thử thách do kinh tế của đất nước chưa thật sự thoát khỏi khó khăn. Có không ít doanh nghiệp phải dừng sản xuất hoặc phá sản. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh đều nỗ lực vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đảm bảo nộp đúng và đủ thuế cho ngân sách Nhà nước. Năm 2013, các doanh nghiệp tỉnh nộp ngân sách hơn 1.000 tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2014, các doanh nghiệp nộp ngân sách trên 910 tỉ đồng.  Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2014 vẫn có 100 doanh nghiệp đăng kí thành lập mới với số vốn đăng kí gần 25.000 tỉ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trong toàn tỉnh lên trên 1.800 doanh nghiệp. Ông Lữ Ngọc Tuấn, Cục Phó Cục Thuế, tỉnh Kon Tum cho biết: “Bước vào năm 2014, nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, song chưa đồng bộ, nhất là giá cả các mặt hàng nông sản thấp, khả năng hấp thụ vốn chưa cao. Trước tình hình đó, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã nỗ lực vượt khó của nhằm ổn định sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Năm 2013, khối doanh nghiệp thực hiện nộp ngân sách chiếm tỉ lệ hơn 62%, 9 tháng đầu năm 2014 khối doanh nghiệp đã đóng góp gần 70% tổng số thu ngân sách trên địa bàn”.

doanh nhgiep

Là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong vượt khó, ổn định sản xuất, tạo việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh, năm 2012, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum có doanh thu 305 tỉ đồng, lợi nhuận 32 tỉ đồng, nộp ngân sách hơn 30 tỉ đồng. Năm 2013, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế của thế giới, khu vực và của đất nước gặp khó khăn, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum vẫn đạt doanh thu trên 295 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 18 tỉ đồng, nộp ngân sách gần 12 tỉ đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm Công ty chi hơn 500 triệu đồng để thực hiện công tác xã hội, từ thiện và đền ơn đáp nghĩa. Ngoài ra, mỗi năm đơn vị còn hỗ trợ từ 4-5 tỉ đồng cho bà con nông dân để phát triển vùng nguyên liệu mía.

Nhiều doanh nghiệp chăm lo đời sống, giải quyết tốt việc làm cho người lao động.

Sự ổn định trong sản xuất kinh doanh của Công ty  không những góp phần ổn định nguồn thu trên địa bàn tỉnh, mà còn giải quyết vùng nguyên liệu mía cho 1.300 hộ nông dân, tạo việc làm ổn định cho 260 lao động trong doanh nghiệp. Chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng, công nhân Phân xưởng Thành phẩm của Công ty nói: “Vào vụ lương tụi em khoảng 4,5 đến 5 triệu đồng tùy theo bậc thợ, vụ tu bổ thì lương bình quân 3 triệu  đến 3,5 triệu đồng. Chế độ bảo hiểm nhà máy đóng cho tụi em đầy đủ, phép thì một năm chúng em được nghỉ mấy ngày đi tham quan”.

Không những đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách địa phương, trong quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn góp phần trong việc nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới với vùng thuận lợi. Thông qua hệ thống internet, điện thoại di động, các doanh nghiệp như Bưu điện Kon Tum, Viettel Kon Tum và một số doanh nghiệp viễn thông khác đã giúp người dân vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới đảm bảo liên lạc, tiếp cận thông tin nhanh chóng và thuận lợi. Ông Nguyễn Ngọc Tín, Giám đốc Chi nhánh Viettel Kon Tum cho biết: “ Hiện nay tổng số trạm 2G, 3G tại Kon Tum của đơn vị là 450 trạm, doanh số đạt 312 tỉ đồng. Đời sống cán bộ, nhân viên được nâng lên, bình quân thu nhập tăng 10% hàng năm. Toàn bộ diện tích đều đã được phủ sóng, đến các bản làng và bộ đội biên phòng”.

Trong vai trò là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh Kon Tum còn có đóng góp lớn với địa phương và các bộ, ngành Trung ương trong đề xuất, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong cơ chế chính sách; góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Kon Tum nói: “Chúng tôi phải nghiên cứu cơ chế chính sách hiện nay của Nhà nước để đối chiếu với thực tiễn trên địa bàn, từ đó kiến nghị với Nhà nước cần phải điều chỉnh cơ chế chính sách thế nào để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Thực tế hiện nay thì có nhiều quy định của Nhà nước chưa phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, đặc biệt là đối với doanh nghiệp trên địa bàn Kon Tum”.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, doanh nghiệp tỉnh Kon Tum đã  góp phần không nhỏ cho sự phát triển của tỉnh. Bởi lẽ, đây là thành phần kinh tế quan trọng đóng góp trên 60% nguồn thu tại chỗ của tỉnh, là đầu mối để giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động và là cơ sở để tiêu thụ, chế biến một lượng hàng hóa nông sản lớn của bà con nông dân. Đặc biệt, các doanh nghiệp tỉnh còn là nguồn lực xã hội hóa quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn.

                                                                     Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *