(kontumtv.vn) – Kinh tế trong và ngoài nước khó khăn đã tạo ra những áp lực lớn cho doanh nghiệp. Trong guồng quay đó, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh lao đao, và đã có doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, thậm chí giải thể. Song vẫn có những doanh nghiệp nỗ lực vượt khó để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động, đồng thời có những đóng góp không nhỏ cho công tác từ thiện xã hội.

dnvk

Dây chuyền chế biến mủ cao su của Cty TNHH MTV Cao su Kon Tum.

Năm 2013 đang khép lại, theo nhận định từ Sở Công thương tỉnh Kon Tum, đây là năm nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, diễn biến khó lường. Trong nước, sức mua của người dân chững lại, sản phẩm tồn kho cao, giá nông sản giảm, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, lãi suất ngân hàng mặc dù có giảm nhưng việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế. Trong bối cảnh chung, doanh nghiệp Kon Tum chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc khủng hoảng này, đến nay, đã có 430 doanh nghiệp giải thể, 1 doanh nghiệp phá sản, chỉ còn trên 1700 doanh nghiệp hoạt động nhưng thực tế chỉ có 50% trong số này hoạt động hiệu quả, còn lại hầu hết là tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc bỏ trụ sở, mất tích. Trước tình trạng này, dù muốn hay không các doanh nghiệp trong tỉnh cũng buộc phải nợ thuế nhà nước và hiện nay, số nợ này đã lên đến con số 324 tỷ đồng, trong đó, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ trên 200 tỷ đồng.

Trước những khó khăn, thách thức doanh nghiệp đang đối mặt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 ngày 7 tháng 1 năm 2013 đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết nợ xấu, bằng cách giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư; giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện nghị quyết này, Cục Thuế tỉnh Kon Tum đã gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập và giảm 50% số tiền thuê đất cho doanh nghiệp.

Cùng với việc giãn, giảm thuế của Cục thuế, các Chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất từ 7%-13%/năm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều chỉnh lãi suất cho vay các món vay cũ về mức 13%/năm. Các ngân hàng cũng chủ động phối hợp với khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vay vốn, từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đơn cử cho hoạt động này là Chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Kon Tum. Để chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, chi nhánh đã đưa ra nhiều giải pháp như cơ cấu lại tài chính, thời hạn trả nợ đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính mất cân đối tạm thời do sử dụng nguồn vốn ngắn hạn đầu tư trong dài hạn.

  Sát cánh cùng doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế phải kể đến Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Kon Tum. Dù mới được thành lập, nhưng Hiệp hội đã xác định nhiệm vụ trọng tâm tập trung tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp cho các doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn. Trong năm qua, Hiệp hội đã làm cầu nối với các cơ quan liên quan nhằm đưa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đi vào cuộc sống; tích cực triển khai thu thập, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như những khó khăn, vướng mắc của hội viên, từ đó, báo cáo và kiến nghị với UBND tỉnh.

  Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực vươn lên, trụ vững được trong thị trường đầy biến động này. Theo báo cáo Sở Tài chính, tính đến cuối năm 2013 thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.600 tỷ đồng, trong đó thu từ sản xuất kinh doanh trên 900 tỷ đồng, qua đây, cho thấy sự đóng góp rất lớn của doanh nghiệp đối với tỉnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chủ động, tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội, giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình chính sách, xây dựng nhà tình thương, mái ấm biên giới, trao học bổng giúp học sinh nghèo hiếu học… với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng.

  Một trong những doanh nghiệp điển hình của tỉnh trong năm 2013 là Công ty TNHH MTV Bê tông và Xây lắp Công nghiệp Kon Tum. Công ty chuyên sản xuất bê tông thương phẩm, cột điện, cống bê tông li tâm, song năm những trước, do thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công nên nhiều công trình ngưng đầu tư dẫn đến sản phẩm của công ty tiêu thụ chậm. Không dừng lại ở đây, công ty đã liên kết với điện lực tìm đầu ra cho sản phẩm cột điện, đồng thời mở rộng thị trường sang các tỉnh lân cận như Đăk Lắk, Đăk Nông và cả nước bạn Lào. Kết quả của sự nỗ lực này là công ty không chỉ đảm bảo việc làm cho gần 50 lao động mà còn vượt doanh thu một tỷ đồng so với kế hoạch đề ra.

  Đối với Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Đăk Hà, bí quyết để thành công nằm ở  khâu xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Trong những năm đầu thành lập, công ty xác định tập trung đến khâu sản xuất sản phẩm cà phê sạch, vì sức khỏe người tiêu dùng. Khi đã xây dựng được niềm tin, củng cố thị trường vững chắc tại Kon Tum, mới đây, công ty cho ra mắt sản phẩm cà phê hòa tan phục vụ thị trường quà tết năm mới. Liên tục tìm hướng đi mới, chú trọng đến việc quảng bá hình ảnh, năm 2013, công ty đạt doanh thu 12 tỷ đồng, duy trì mức lương ổn định cho công nhân 4 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Hòa Chính, giám đốc Công ty cho biết: Sản phẩm của chúng tôi là cà phê nguyên chất, giá cao không thể cạnh tranh với cà phê độn và cà phê rẻ tiền được, buộc phải định vị sang cà phê làm quà.Mục tiêu giai đoạn đầu là thị trường Kon Tum. Từ 1 quán không bán được mà bây giờ có 150 quán bán cà phê Đăk Hà,  Kon Tum đang dùng phổ biến là cà phê Đăk Hà.

  Đó là 2 trong số rất nhiều doanh nghiệp của tỉnh có hướng đi mới, ổn định sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo dự đoán, năm 2014 sẽ là năm còn nhiều thách thức, khó khăn hơn đối với doanh nghiệp, vì vậy, để tiếp tục đứng vững trước thị trường đầy sóng gió, ngoài những nỗ lực tự thân, doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ thiết thực hơn nữa từ phía cơ quan chức năng của tỉnh.

Kon Tum đã và đang tìm giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI cao đồng nghĩa với việc mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp và cũng là cách quảng bá để địa phương thu hút đầu tư từ bên ngoài, theo đó, môi trường kinh doanh, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được tăng cường. Đây là cơ hội để doanh nghiệp có thể bày tỏ, trao đổi và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của mình để định hướng phát triển. Tuy nhiên, cùng với sự ưu đãi của tỉnh, doanh nghiệp cũng cần nỗ lực, vượt qua khó khăn, bởi sự phát triển của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là lợi nhuận mà còn là việc tạo việc làm, ổn định thu nhập cho hàng ngàn lao động trong tỉnh./.

 

 Linh Thủy – Xuân Công

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *