(kontumtv.vn) – Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đời sống bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển.

Nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, có thời điểm làng Kon Krơk (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) có hơn 70% số hộ thuộc diện nghèo. Sau nhiều năm được hưởng lợi từ các chương trình mục tiêu quốc gia, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của huyện, đến nay làng Kon Krơk đã có nhiều khởi sắc. 100% hộ dân có nhà ở kiên cố, được sử dụng nước tự chảy và điện lưới quốc gia. Đường giao thông từ xã đến thôn đã được bê tông hóa, điểm trường thôn được xây dựng khang trang. Gia đình nào trong làng cũng trồng được cao su, bời lời và lúa nước. Đến nay, số hộ nghèo của làng chỉ còn 19 hộ, giảm hơn 30 hộ so với năm 2009. Ông A Klé, Bí thư Chi bộ thôn Kon Krơk nói: “Đến nay hộ nghèo thôn chúng tôi còn ít, nhưng chúng tôi cũng không lo lắng nhiều vì nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn, tạo điều kiện cho bà con trồng cao su. Hiện nay cao su mới trồng chưa thu hoạch, sau này nếu thu hoạch sẽ thoát nghèo bền vững hơn”.

Trường
Hệ thống trường, lớp đã đến tất cả các thôn, làng vùng ĐBDTTS

Tuy điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng tỉnh Kon Tum luôn quan tâm đầu tư để nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và nguồn lực địa phương, từ năm 2009  đến năm 2014, tỉnh đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng 1.450 công trình hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống dân sinh; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, máy móc công cụ sản xuất cho gần 2 triệu lượt hộ gia đình và hỗ trợ xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho gần 17.500 lượt hộ nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm triển khai có hiệu quả các chính sách về dân tộc của Trung ương và của tỉnh để nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiệu quả đạt được từ sự quan tâm đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum là rõ nét. Đến nay 100% các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã có điện lưới quốc gia, có đường giao thông thuận lợi, có trạm y tế xã và các công trình phúc lợi thiết yếu. Về sản xuất, những chính sách như đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp bà con dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững. Sự đổi thay tại huyện Tu Mơ Rông là một minh chứng. Đến nay, đường làng, ngõ xóm, nhà rông truyền thống, trường học, hệ thống nước tự chảy, lưới điện tại 91 khu dân cư trong toàn huyện được xây dựng khá đầy đủ. Đặc biệt, bức tranh nông nghiệp trong từng khu dân cư có nhiều khởi sắc. Người dân trước đây sống dựa vào rừng và cây mì, cây lúa rẫy, đến nay gia đình nào cũng trồng được bời lời, lúa nước, cà phê hoặc cao su và chăn nuôi trâu bò, một số gia đình vươn lên làm giàu nhờ trồng cây dược liệu. Ông A Linh, Chủ tịch UBND xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Được sự đầu tư của Chương trình 135, 167,  đến nay đường giao thông đi lại được thuận lợi, nước sinh hoạt, điện đã có, đời sống của bà con so với trước kia bây giờ khá hơn”.

Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của địa phương, giai đoạn 2009- 2014, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có gần 19.000 hộ gia đình người dân tộc thiểu số thoát nghèo; có 80% thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận khu dân cư tiến tiến, gần 64% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, gần 59% khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa. Về hoạt động bảo tồn văn hóa đã phục dựng được 18 lễ hội truyền thống, lưu giữ được trên 1.800 bộ cồng chiêng, xây dựng được trên 500 nhà rông và 100% làng đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh có đội cồng chiêng xoang.

                                                                    Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *