(kontumtv.vn) – UBMTTQVN tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Tham dự có các tổ chức thành viên và thành viên Hội đồng Tư vấn pháp luật của UBMTTQVN tỉnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng Dự thảo Bộ luật Dân sự chuẩn bị công phu, cụ thể hóa được nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến cụ thể. Liên quan đến quy định: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, kể cả trong trường hợp chưa có quy định của luật, nhiều ý kiến chưa đồng tình với quy định này.

Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo
Hội nghị đóng góp ý kiến Dự thảo Bộ luật Dân sự

Ông Phan Minh Cự, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Kon Tum nêu ý kiến: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng và trong trường hợp này, Tòa án căn cứ vào tập quán, nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự …để xem xét giải quyết. Theo tôi nghĩ, nếu thực hiện như vậy thì chúng ta vi phạm pháp luật, dẫn đến pháp chế không thống nhất, bởi vì bây giờ chưa có điều luật áp dụng mà bắt buộc Tòa án phải thụ lý xem xét, giải quyết và nếu có thụ lý, xem xét, giải quyết thì không đúng, vi phạm pháp chế. Chúng ta biết Nhà nước dùng pháp quyền để xử lý, chứ không dùng tập quán hoặc dùng những nguyên tắc tương tự, lẽ công bằng để đưa ra những phán quyết.  Trong Hiến pháp quy định Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nếu pháp luật không quy định thì không có căn cứ để xét xử, nếu xét xử như vậy thì vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người.

Về trách chấp dân sự, có ý kiến cho rằng: Ngoài  việc áp dụng quy định của pháp luật, Bộ luật cũng cần bổ sung về hình thức áp dụng quy định hương ước, quy ước ở khu dân cư để xem xét, giải quyết tranh chấp dân sự. Ông Nguyễn Tiến Chi, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế – xã hội UBMTTQVN tỉnh Kon Tum nói: “Thực tế đặt ra ngoài pháp luật rồi trong mối quan hệ của các khu dân cư ở cơ sở xây dựng hương ước, quy ước. Trong quá trình giao dịch dân sự sẽ diễn ra mâu thuẫn với nhau, không đồng thuận với nhau. Một cơ sở là ngoài luật ra rồi thì Tòa án căn cứ vào quy ước, hương ước của khu dân cư đó để giải quyết cho tranh chấp dân sự. Vì nếu không có luật quy định không giải quyết, thì người dân sử dụng luật làng giải quyết với nhau, mà khi giải quyết thì không đúng theo chuẩn mực của pháp luật”.

Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, tại Điều 491 Dự thảo Bộ luật quy định: Lãi suất  vay do các bên thỏa thuận hoặc do luật định. Trường hợp các bên thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định ở khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Vấn đề này, có ý kiến đề nghị quy định một mức lãi suất trần cụ thể trong Bộ luật Dân sự, không sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố làm lãi suất tham chiếu; đồng thời quy định nguyên tắc, thẩm quyền thay đổi mức lãi suất cụ thể này khi cần thiết.

Các đại biểu còn tham gia ý kiến về hình thức sở hữu, thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác, việc điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi…Tất cả các ý kiến tham gia đóng góp của đại biểu sẽ được UBMTTQVN tỉnh tổng hợp đầy đủ và chuyển đến cấp có thẩm quyền theo quy định.

                                                                                       Thu Thủy – Thanh Hà  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *