(kontumtv.vn) – Để công tác trồng rừng và bảo vệ rừng phát huy  hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của các ngành, địa phương thì vai trò của người dân là hết sức quan trọng. Đặc biệt, việc huy động người dân tham gia trồng, chăm sóc rừng, thực sự được hưởng lợi từ rừng còn có ý nghĩa rất lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.            

Nhiều năm nay, gia đình A Sỹ cũng như nhiều hộ dân khác ở xã Pô Cô, huyện Đăk Tô tận dụng đất rừng nguyên liệu giấy sau khi hết chu kỳ khai thác để trồng mì. Tuy nhiên củ mì mà họ thu hoạch được càng ngày càng nhỏ, không đem lại hiệu quả. Sau khi được cán bộ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô vận động, hướng dẫn, ký cam kết giao khoán để trồng rừng, đã được bà con hưởng ứng tham gia tích cực.  Anh  A Sỹ nói: “Trước đây gia đình tôi có 5 ha trồng mì, thấy hiệu quả kinh tế chưa cao, được lâm trường vận động trồng rừng, gia đình tôi đã tham gia. Sau này thấy hiệu quả cũng cao, trong làng cũng có nhiều hộ dân tham gia”.

Người dân Đăk Tô tham gia trồng rừng
Người dân Đăk Tô tham gia trồng rừng

Kế hoạch trồng rừng thay thế tại xã Pô Kô là 150 ha, bắt đầu triển khai từ giữa tháng 7/2014. Đến nay Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đã trồng được 125 ha rừng thông 3 lá với 47 hộ tham gia. Có thể nói đây là một kết quả rất khả quan, cùng với vận động nhân dân trả lại đất cho Lâm trường, Công ty đồng thời giao khoán lại cho dân để trồng rừng, sau khi trừ đi các chi phí, người dân được hưởng 70% sản phẩm thu được từ rừng.

Ngoài ra, đơn vị cũng đã trồng được 47 ha rừng phòng hộ tại địa bàn xã Đăk Rơ Nga. Nhận thấy được lợi ích này, tại xã Đăk Tờ Kan đến nay đã có 179 hộ tự giác đăng ký để nhận đất trồng rừng. Trong thời gian qua, Công ty làm rất tốt công tác giao khoán bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2015 Công ty sẽ đăng ký với UBND tỉnh trồng thêm 600 ha rừng. Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: “Khi chúng tôi giao khoán rừng cho cộng đồng thì  tính cộng đồng phát huy rất cao. Hàng ngày thôn làng phân công luân phiên hộ này đến hộ khác và không có một hộ nào bỏ trực, bỏ tuần tra canh gác rừng, và hễ có một vụ việc gì xâm hại đến rừng thì đồng thời cả thôn, làng cùng tham gia để xử lý”.                         

Việc trồng cây gây rừng đã trở thành một chiến lược của đất nước. Đây là một chương trình nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc trồng và bảo vệ, chăm sóc rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế từ rừng để xóa đói giảm nghèo.

                                                                          Duy Phong – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *