(kontumtv.vn) – Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày lực lượng dân quân, du kích làng Đăk Dục bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trên núi Đăk Sao. Quê hương, đất nước thống nhất và đã có nhiều sự đổi thay, phát triển, nhưng ý nghĩa  của chiến công này vẫn còn nguyên giá trị.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với bà con dân tộc Giẻ Triêng ở  làng Đăk Dục thì máy bay Mỹ chính là con thú hung ác chuyên gây hại cho dân làng. Cuộc sống yên bình của dân làng bị xáo trộn khi máy bay Mỹ thả bom, bắn rocket làm cháy nhà, chết người, gây bao đau thương, mất mát. Đó là hành động của con thú dữ, vì chỉ có thú dữ mới làm hại con người. Vì vậy, bà con làng Đăk Dục đã không ngại hiểm nguy, tìm và diệt nhiều con thú Mỹ ác độc. Tham gia chiến đấu ở núi Đăk Sao, vùng căn cứ địa của H 40 trong chiến tranh, cựu chiến binh A Rum ở làng Dục Nhày 1, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, từng bắn rơi máy bay Mỹ vào năm 1969 nhớ lại: “Máy bay Mỹ là con thú, nó bắn phá, giết người, ném bom, nhà cửa tan nát, chỗ nào nó cũng dội. Không tàn ác có lẽ mình không đánh nó, nó đánh mình mình phải đánh nó”.

Cựu chiến binh làng Dục Nhầy kể chuyện săn máy bay Mỹ
Cựu chiến binh làng Dục Nhày kể chuyện săn máy bay Mỹ

 Cựu chiến binh Xiêng Va Lư, 67 tuổi hiện ở làng Dục Nhày 1, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi kể: Để bắn được con thú dữ trong rừng là rất khó và nguy hiểm. Để bắn được con thú Mỹ trên trời vừa có bom, vừa có súng đạn càng khó khăn và nguy hiểm hơn gấp bội. Vì vậy, dân quân làng Đăk Dục phải cố gắng học cách bộ đội chỉ dẫn làm thế nào để bắn được thú Mỹ trên trời. Nhưng học là một chuyện, còn thực hành lại là chuyện khác. Để có thể bắn được máy bay Mỹ, dân quân phải chọn được vị trí thuận lợi như ở trên đồi cao, đào được hầm trú ẩn và phục kích chờ máy bay Mỹ đến để bắn hạ. Đôi khi, anh em phục kích ăn cơm nắm cả tuần nhưng không bắn được vì nó bay quá nhanh. Vì vậy, mỗi chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi là mỗi lần dân làng Đăk Dục vui như vào hội. Chia sẻ kinh nghiệm bắn máy bay Mỹ, cựu chiến binh Xiêng Va Lư cho biết: “Máy bay thì mình phục sẵn, từ sáng tới tối ngồi miết, nếu nó đến thì đánh, nó không đến thì về không, cách bắn máy bay là mình ngồi trên đồi, khi máy bay nhào xuống thì mình bắn”.

Trò chuyện về những ngày tháng tham gia chiến đấu trong vai trò là dân quân trên núi Đăk Sao, cựu chiến binh A Biên (làng Dục Nhày 2, xã Đăk Dục) kể lại: Ngày ấy, ông cùng đồng đội A Cứu, A Tim, A Rum, Xiêng Va Lư được phân công trực bắn máy bay Mỹ trên đồi cao. Đây là nhiệm vụ vất vả, khó khăn và rất nguy hiểm. Khi đối đầu với máy bay Mỹ có đầy đủ súng đạn và gian ác, tổ dân quân của ông chỉ có súng trường CKC và súng tiểu liên AK. Muốn bắn được máy bay, phải đợi nó lao xuống thật gần mới bắn hạ được chúng. Vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm, tổ của A Biên, A Cứu đã bắn được 2 máy bay rơi tại chỗ và bắn làm cho 3 máy bay rơi trên đất bạn Lào. Thành tích bắn rơi máy bay của tổ A Biên đã được Điện ảnh Khu V ghi lại trong phim tư liệu với tựa đề “Những người săn thú trên núi Đăk Sao”. Được hỏi vì sao không sợ khi đương đầu với máy bay Mỹ, cựu chiến binh A Biên nói: “Phải chiến đấu vì Mỹ đánh dân tan nát hết, không làm được cái gì, rẫy ruộng không biết làm chỗ nào. Mình tức chỗ đó, lòng mình muốn bắn cho rơi hết máy bay”.

Năm nay 86 tuổi, cựu chiến binh A Nhép không còn nghe rõ, sức khỏe yếu nhiều nhưng ông vẫn còn nhớ cảm giác vui mừng của bản thân cũng như của dân làng Dăk Dục khi đồng đội của ông bắn rơi máy bay Mỹ ở núi Đăk Sao. Cựu chiến binh A Nhép kể lại, lúc bấy giờ dân làng vui lắm, chỉ trong 2 ngày vừa bắn được con heo rừng 4 người khiêng, vừa bắn rơi một máy bay Moran và một máy bay trực thăng của Mỹ nên cả làng dựng nêu ăn mừng. Cựu chiến binh A Nhép kể: “Hồi đó dân làng đi nhặt xác máy bay Mỹ về làng rồi mới dựng nêu ăn mừng. Tôi và bà con cùng thổi đinh tút, đánh cồng chiêng, múa xoang mừng tổ A Cứu, A Biên và dân quân của làng bắn rơi máy bay Mỹ. Vui lắm, mừng lắm. Cứ mong sao săn được con thú trên trời của Mỹ để dân làng được yên vui”.

Quê hương. đất nước hòa bình, thống nhất. Dân làng Đăk Dục giờ không còn định cư trên núi Đăk Sao sát khu vực biên giới với nước bạn Lào mà đã tái định cư  tại xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi. Lớp cựu chiến binh như A Tim, A Biên, A Nhép  đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Có người đã về với tổ tiên như A Cứu, A Nới, A Zon. Thời gian dần trôi, cuộc sống tiếp diễn với nhiều đổi thay và phát triển, nhưng tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm và chiến công của lớp  cựu chiến binh săn thú Mỹ của làng Đăk Dục xưa kia vẫn còn mãi với thời gian.

                                                                          Văn Hiển – Thanh Hà      

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *