(kontumtv.vn) – Việc giá cước vận tải chậm giảm trong thời gian qua  và tiếp tục tăng trong dịp Tết Nguyên đán là điều làm cho người tiêu dùng quan tâm hiện nay.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương đã 15 lần điều chỉnh giá xăng và 21 lần điều chỉnh giá dầu với mức giảm gần 10.000đ/lít. Tuy nhiên, vì lợi ích của mình, các doanh nghiệp vận tải tỉnh Kon Tum nói riêng và các doanh nghiệp vận tải trong cả nước nói chung cố tình không giảm giá cước trong một thời gian dài, mãi đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì các doanh nghiệp mới có động thái giảm giá. Ông Nguyễn Đức Hương, Phụ trách Phòng QLPTNL&VT, Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Kon Tum nói: “Sở đã có nhiều văn bản, rất nhiều văn bản triển khai về việc yêu cầu các đơn vị vận tải kê khai giảm giá cước theo giá xăng dầu. Đồng thời đơn vị nào kê khai lâu nay vẫn phải kê khai lại heo giá xăng dầu thực tế. Hiện tại hầu như 100% đơn vị đã kê khai giảm giá cước”.

TUONG UNG

Theo tính toán của cơ quan chức năng, chi phí xăng dầu chiếm 40-45% chi phí vận tải tuyến cố định đường dài và chiếm khoảng 30% chi phí vận tải loại hình taxi. Với mức giá xăng dầu như hiện nay thì các doanh nghiệp vận tải giảm được chi phí so với trước từ 17-20%. Lẽ ra, mức giảm cước vận tải cũng phải tương ứng từ 17-20%. Thế nhưng chưa có doanh nghiệp vận tải nào trên địa bàn tỉnh giảm đúng mức. Ông Đoàn Thế Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Quốc cho biết: “Để tương ứng với giá nguyên liệu giảm tuyến Kon Tum – TP.HCM, Công ty chúng tôi điều chỉnh hạ 10%, tuyến Kon Tum – Qui Nhơn 10% và Kon Tum – Đà Nẵng 10% so với giá vé trước kia”.

Một điều đáng quan tâm là khi giá xăng dầu giảm thì việc giảm giá cước diễn ra chậm và nhỏ giọt nhưng khi vào mùa Tết thì việc phụ thu giá cước lại được các doanh nghiệp vận tải hồ hởi triển khai. Bà Đoàn Thị Thu, Phó Chủ nhiệm HTX Vận tải cơ giới hàng hóa và hành khách Tây Nguyên nói: “Phụ thu về tuyến TP. HCM bù cho xe rỗng quay vòng tăng chuyến là từ 290.000đ lên 464.000đ là cao nhất. Tuyến Miền Trung giá vé Đà nẵng 135.000đ từ ngày 20/12 âm lịch tăng lên 40%”.

Việc nhanh chóng tăng giá cước vận tải vào các mùa lễ tết hay khi giá xăng dầu tăng và cố tình chậm giảm giá cước hay giảm giá không tương ứng đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người tiêu dùng, điều này  tạo nên sự bức xúc trong nhân dân. Vào những thời điểm như thế này, người dân rất cần cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông và giá cước vận tải phát huy tốt vai trò của mình để đảm bảo sự công bằng cho người tiêu dùng.

                                                                                      Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *