(kontumtv.vn) – Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích và đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống, thời gian gần đây nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy  bản sắc văn hóa dân tộc đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Yêu thích, quí trọng và hiểu rõ giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, nhiều năm qua, mặc dù bận rộn với công việc của xã, nhưng nghệ nhân A Thúk – Phó Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy vẫn thường xuyên và tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn cồng chiêng, liên hoan dân ca, dân vũ, các hoạt động nghệ thuật dân gian trong và ngoài nước, với mong muốn quảng bá, giới thiệu những cái đẹp, cái hay, nét đặc sắc của văn hóa dân tộc mình đến với công chúng. Đặc biệt, ông rất quan tâm đến việc giáo dục, truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhằm tiếp tục phát huy những nét văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Nghệ nhân A Thúk nói: “Tôi cùng với anh em ở trong làng truyền dạy cho lớp trẻ thanh thiếu niên để khôi phục lại văn hóa dân tộc. Hiện nay các làng bản dân tộc đều giữ được bản sắc văn hóa của mình, tôi rất mừng”.

Liên hoan dân ca khu vực Tây Nguyên 2015
Liên hoan dân ca khu vực Tây Nguyên 2015

Anh A Đruế (thôn Kon Ke, xã Đăk Long, huyện Kon Plông) vốn đam mê các nhạc cụ truyền thống của dân tộc từ nhỏ, đặc biệt là cồng chiêng. Sau khi được bầu làm Bí thư Đoàn xã, A Đruế đã vận động và thành lập được 1 đội cồng chiêng trẻ tại thôn Kon Ke để xây dựng mô hình điểm nhằm từng bước nhân rộng ra các thôn khác trong xã. Đến nay, Đội Cồng chiêng do A Đruế thành lập đã duy trì tập luyện đều đặn, thu hút nhiều đoàn viên thanh niên tham gia và trở thành đội cồng chiêng chính của huyện để phục vụ trong các dịp lễ hội và phục vụ các đoàn khách đến tham quan. A Đruế cho biết: “Từ khi thành lập đội và tuyên truyền rộng rãi trong đoàn viên thanh niên, đã có chuyển biến rõ nét, các ngày lễ hội, mỗi khi có lễ cúng hay lễ hội của dân làng đều đem các bộ cồng chiêng để sinh hoạt trong nhà rông cũng như trong nhà . Thứ hai là tuyên truyền cho bà con giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, một số điệu hát, các nhạc cụ của dân tộc”.

Là địa phương có lịch sử lâu đời, đa dạng sắc thái văn hóa các dân tộc, những năm qua, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh Kon Tum luôn chú trọng đến công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tích cực hỗ trợ, khuyến khích, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian hàng năm, tạo được sự chuyển biến đáng kể trong đời sống tinh thần của nhân dân. Ông Phan Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Kon Tum nói: “Hàng năm Sở phối hợp với các ngành tổ chức Ngày hội Văn hóa thể thao của các dân tộc, Tuần lễ Văn hóa thể thao, Du lịch tại Măng Đen. Bên cạnh đó, ngành cũng đã thường xuyên cử cán bộ đi sưu tầm, phục dựng lại các lễ hội truyền thống, cũng như phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức các lớp truyền dạy về cồng chiêng, sử thi, đan lát…Đây là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc”.

Với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ngành thời gian gần đây, phong trào khôi phục nhà rông, sưu tầm sử thi, dân ca cũng như các hoạt động văn hóa truyền thống như lễ hội cồng chiêng, liên hoan dân ca, dân vũ, tạc tượng dân gian đã được các nghệ nhân và dân làng tham gia hưởng ứng tích cực, kể cả các thế hệ trẻ.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giữ gìn thuần phong, mỹ tục, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 hàng năm, được Thủ tướng Chính phủ quyết định từ năm 2008, là dịp để các cấp ngành và mọi người dân nêu cao ý thức trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *