(kontumtv.vn) – So với các tỉnh, thành trên cả nước, tỉnh Kon Tum có tỷ lệ lưu hành bệnh phong cao, nhất là từ năm 2005 trở về trước. Phần lớn bệnh nhân phong sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Do vậy, công tác phòng chống phong trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Song với quyết tâm và sự nỗ lực của ngành Y tế và đội ngũ làm công tác phòng chống phong, đến nay công tác phòng chống phong trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Từ nhiều năm nay, theo thường lệ, cứ 3 tháng một lần, những bệnh nhân phong đang sinh sống tại thôn Đăk Dring, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô tập trung về nhà rông của thôn để các y, bác sỹ Bệnh xá phong Đăk Kia chăm sóc vết thương, cấp phát thuốc điều trị và các vật tư y tế cần thiết. Nhờ đó, mức độ tàn tật của bệnh nhân được khống chế, nỗi đau thể xác dần vơi đi, họ lạc quan và có niềm tin hơn trong cuộc sống. Ông A Nu (thôn Đăk Dring, xã Đăk Trăm) nói: “Bác sỹ đến chăm sóc, chữa bệnh cho chúng tôi rất chân tình, gần gũi. Rất biết ơn các y, bác sỹ ở tỉnh lên đã cho chúng tôi nhiều thứ, từ tình cảm đến sự chăm sóc, động viên để chúng tôi có thêm nghị lực sống và lao động được tốt hơn”.

“Tôi bị bệnh phong đã mấy chục năm nay rồi. Ngày xưa chúng tôi đi đến đâu người ta đều sợ hãi vì tay chân bị vết thương, bị trầy xước, bị co cụt hết các ngón tay. Từ khi có thông tin đại chúng, đài báo phản ánh, rồi có y bác sỹ lên đây chăm sóc, chúng tôi dần dần cảm thấy đỡ mặc cảm. Hàng xóm cũng hiểu hơn về bệnh phong nên họ không sợ và kỳ thị chúng tôi như ngày xưa nữa. Chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước rất nhiều, cảm ơn các y, bác sỹ đã cho chúng tôi được như ngày hôm nay”. Bà Y Lú (thôn Đăk Dring, xã Đăk Trăm) chia sẻ.

        Bắt đầu từ năm 1995, triển khai Chương trình mục tiêu y tế quốc gia phòng chống phong, công tác phòng chống phong trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được đẩy mạnh. Các y, bác sỹ làm công tác phòng chống phong của tỉnh thường xuyên đến các thôn làng xa xôi để khám, phát hiện, chăm sóc, điều trị bệnh phong. Ngoài ra, công tác tuyên truyền về bệnh phong được thực hiện thường xuyên ngay ở tuyến  cơ sở. Qua đó, từng bước  nâng cao nhận thức của người dân về bệnh phong để người dân biết cách phòng tránh, đồng thời không kỳ thị, xa lánh bệnh nhân phong. Với chiến lược đúng đắn của Chương trình mục tiêu y tế quốc gia phòng chống phong, Kon Tum đã được đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở  vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực cho công tác phòng chống phong. Đặc biệt tỉnh đã có khu điều trị phong chuyên biệt.

Tiền thân của Bệnh xá phong Đăk Kia là Khu Điều trị phong có lịch sử hình thành gần 100 năm, là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị những người mắc bệnh phong ở các nơi trong tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Qua thời gian, Khu Điều trị phong không ngừng được phát triển. Đến năm 2001 đã được nâng lên thành Bệnh xá phong. Từ đó đến nay, Bệnh xá được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết và đội ngũ y, bác sỹ đáp ứng nhu cầu cho công tác phòng chống phong trên địa bàn tỉnh.

Chăm sóc bệnh nhân phong
Chăm sóc bệnh nhân phong

Ông A Mrâu (thôn Đăk Kia, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) là một trong những bệnh nhân điều trị bệnh phong tại Bệnh xá phong Đăk Kia từ những năm đầu miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước đến nay. Gần 40 năm điều trị bệnh tại đây, ông đã thấy sự đổi thay rõ nét về cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bệnh xá. Và điều làm cho ông cảm thấy vui hơn, đó là  các y, bác sỹ ngày càng gần gũi, tận tình điều trị, chăm sóc những bệnh nhân phong, nhất là những người bệnh nặng như ông. Ông A Mrâu nói: “ Tôi điều trị bệnh ở đây từ lúc còn trẻ. Hồi trước ở đây khó khăn lắm, các bác sỹ cũng ít. Giờ thì hơn trước nhiều, các y, bác sỹ nhiều hơn và ai cũng vui vẻ. Sáng nào chúng tôi cũng đến đây để được chăm sóc vết thương. Hàng ngày khi nào thấy đau, thấy mệt chúng tôi đến bác sỹ, y tá đều tận tình khám, cho thuốc và nói cho mình biết bị đau gì, hướng dẫn cho mình phải làm thế nào để không bị bệnh nặng thêm. Bây giờ mỗi ngày đến đây mình không có ngại vì ai cũng quan tâm mình”.

Thời gian qua, bên cạnh việc chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ điều trị, chăm sóc, các y, bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh xá phong luôn nỗ lực trong công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe để người bệnh hiểu được nguyên nhân tàn tật, nhất là tàn tật thứ phát để tránh được nguy cơ tàn tật nặng. Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ thuật viên của Bệnh xá đã nỗ lực để sản xuất ra các vật dụng, phương tiện hỗ trợ vận động phù hợp  cho từng  bệnh nhân tàn tật do bệnh phong gây ra. Bác sỹ Ksor Thu, phụ trách Bệnh xá phong Đăk Kia cho biết: “Chúng tôi đã vượt qua mọi khó khăn, đã đến từng nhà của người bệnh và đem đến cho họ những tình cảm và những việc làm như chăm sóc các bàn chân, bàn tay lở loét, hướng dẫn vật lý trị liệu và hướng dẫn chăm sóc mắt. Chúng tôi tư vấn mọi thứ để họ nắm rõ bệnh tật. Đến nay một số bệnh nhân tàn tật nặng đã cải thiện một phần nào, còn bệnh nhân tàn tật nhẹ thì không tiến triển nặng thêm. Đó cũng là một điều rất vui mừng và  hạnh phúc đối với chúng tôi, những người làm công tác phong”.

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu y tế quốc gia phòng chống phong, 20 năm qua ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về bệnh phong; đào tạo, tập huấn, xây dựng mạng lưới phòng chống phong từ tỉnh đến xã; phòng chống và chăm sóc tàn tật cho người tàn tật ảnh hưởng bởi bệnh phong; hỗ trợ chăm lo đời sống kinh tế cho bệnh nhân phong. Đặc biệt là chú trọng công tác khám, phát hiện bệnh nhân phong trong cộng đồng. Bác sỹ Hồ Bộ, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Kon Tum nói: “Công tác phát hiện bệnh nhân mới thì chúng tôi áp dụng bằng nhiều hình thức, đó là khám toàn dân, khám tiếp xúc, rồi khám nhóm, khám tuyển. Đặc biệt chúng tôi lồng ghép vào các chương trình y tế đa khoa ở tuyến xã, tuyến huyện. Qua khám phát hiện thì tất cả bệnh nhân phong mới chúng tôi lập hồ sơ bệnh án đưa vào quản lý, điều trị, cấp thuốc đủ liều, đúng thời gian, đúng phát đồ. Trong quá trình quản lý điều trị thì anh em tuyến huyện, tuyến xã thường xuyên giám sát mỗi tháng một lần, trong quá trình giám sát theo dõi điều trị, phát hiện những tác dụng phụ, phản ứng phong, nếu có những gì phát sinh thì chúng tôi tiến hành xử lý ngay”.

Trong suốt 20 năm qua với sự quyết tâm và nỗ lực của ngành y tế nói chung, những người làm công tác phòng chống phong nói riêng, Tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. So với năm 1995, đến năm 2015 đã giảm bền vững tỷ lệ phát hiện từ 26,7/100.000 dân xuống còn 0,8/100.000 dân; giảm bền vững tỷ lệ lưu hành từ 1,14/10.000 dân xuống còn 0,087/10.000 dân; giảm tỷ lệ tàn tật độ II ở bệnh nhân phong mới từ 40% xuống còn 0 %. Ngoài ra đã phát hiện bệnh phong mới và đa hóa trị liệu đúng phác đồ, đủ liều, đủ thời gian gần 590 trường hợp; các bệnh nhân phong được quản lý, chăm sóc tàn tật chu đáo; hơn 230 người bệnh phong và khuyết tật do phong được quản lý và chăm sóc y tế, được cung ứng giày dép và vật tư y tế định kỳ, thường xuyên. Kiến thức cơ bản về bệnh phong đã được truyền thông rộng rãi, liên tục trên các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông trực tiếp đến cộng đồng dân cư tại tất cả các xã, phường, thị trấn có lưu hành bệnh phong; vấn đề kỳ thị và tự kỳ thị bệnh phong hầu như được xóa bỏ.

Với những kết quả đạt được trong công tác phòng chống phong, Sở Y tế tỉnh đã đề nghị Bộ Y tế thành lập Hội đồng kiểm tra kết quả loại trừ bệnh phong tại tỉnh Kon Tum trong 11/ 2015.Bác sỹ Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum nói; “Để có được thành quả như ngày hôm nay, ngành đã được sự hỗ trợ của Trung ương, Bệnh viện da liễu Trung ương, Bệnh viện Phong và Da liễu Qui Hòa, Qui Nhơn đã hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật cũng như  các trang thiết bị trong công tác khám và điều trị bệnh phong. Thứ hai là được sự quan tâm của tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, sự đóng góp của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp hảo tâm đã hỗ trợ cho ngành Y tế tỉnh Kon Tum trong công tác loại trừ bệnh phong. Điểm cuối cùng tôi cho rằng hết sức quan trọng đó là sự đồng thuận của cộng đồng dân cư trong công tác loại trừ bệnh phong”.

Kon Tum được công nhận loại trừ bệnh phong cấp tỉnh sẽ là niềm tự hào của địa phương nói chung, ngành Y tế tỉnh nói riêng. Điều này khẳng định, căn bệnh nan y một thời mang nhiều định kiến và lưu hành từ rất lâu trên mảnh đất Kon Tum đã được khống chế. Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song công tác phòng chống phong trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. “Đến năm 2020 thì lộ trình của chúng ta là loại trừ bệnh phong cấp huyện, cũng theo lộ trình  từ năm 2016 trở đi thì các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ cắt giảm, chính vì thế chúng tôi cần sự hỗ trợ của Trung ương cũng như địa phương trong công tác y tế nói chung và việc loại trừ bệnh phong nói riêng”. Bác sỹ Đào Duy Khánh nói.

Có thể nhận thấy, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức phi chính phủ, đời sống vật chất, tinh thần của những bệnh nhân phong trên địa bàn tỉnh Kon Tum từng bước được cải thiện. Đáng ghi nhận là bệnh nhân phong bị tàn tật nặng được quan tâm hỗ trợ xây nhà ở, được hỗ trợ sinh kế, qua đó tạo niềm tin để họ vượt qua tự ti, mặc cảm, hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của ngành Y tế, sự chung tay của cộng đồng xã hội, công tác phòng chống bệnh phong trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ đạt được kết quả cao hơn nữa.

                                                                      Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *