(kontumtv.vn) – Đến thời điểm này, dịch cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khống chế, không tiếp tục bùng phát và lây lan ra diện rộng. Công tác hỗ trợ  các hộ có gia cầm dịch bị tiêu hủy từ phía chính quyền địa phương đã được hoàn thành. Tuy nhiên dịch cúm gia cầm thời gian qua đã và đang để lại không ít những lo ngại cho người chăn nuôi.

Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên trên địa bàn tỉnh, nhiều giải pháp khống chế, bao vây ổ dịch, tránh lây lan ra diện rộng đã được các cấp ngành triển khai quyết liệt. Bên cạnh việc tiêu hủy đàn gia cầm nhiễm bệnh, Chi cục Thú y đã kịp thời cấp phát vắc xin ngừa cúm và hóa chất khử trùng tiêu độc đến các địa phương có dịch. UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành công điện khẩn: tạm dừng xuất, nhập, quá cảnh gia cầm trên địa bàn. Tại các Trạm kiểm soát động vật Sao Mai, Măng Khênh, Vi Ô Lắc, công tác kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển đã được tăng cường. Với sự vào cuộc nhanh chóng, đồng bộ, các ổ bệnh trên địa bàn tỉnh đã được khống chế hiệu quả. Ông Phạm Ngọc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Kon Tum cho biết: Bằng những biện pháp quyết liệt, đến nay sau 21 ngày ở tỉnh ta không phát hiện thêm ổ bệnh nào và trường hợp gia cầm nào mắc bệnh. Tính đến ngày hôm nay thì tỉnh ta đã hoàn thành việc dập tắt các ổ dịch trên địa bàn.

Ngay sau khi các ổ dịch bị dập tắt, địa phương có gia cầm bị nhiễm bệnh đã lên danh sách thực hiện hỗ trợ cho người chăn nuôi. Căn cứ Quyết định 719/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và Quyết định 275/QĐ- UBND của UBND tỉnh Kon Tum ban hành về việc Điều chỉnh mức hỗ trợ cho các chủ chăn nuôi có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy do mắc dịch bệnh, mức hỗ trợ gia cầm bị tiêu hủy là 35.000đ/ con.

Theo thống kê sơ bộ, người chăn nuôi trong vùng ổ dịch trên địa bàn tỉnh thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng trong đợt dịch cúm này. Dù nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ phía chính quyền địa phương nhưng có hộ gia đình vẫn chưa thể khôi phục lại chăn nuôi. Điển hình như trang trại chăn nuôi của anh Phạm Văn Bản, thôn Ngọc Tiền, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi. Trong đợt dịch vừa qua, toàn bộ 2.700 con gia cầm của gia đình mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy, ước tính gia đình thiệt hại trên 400 triệu đồng. Chuồng trại của gia đình anh được đầu tư quy mô với hệ thống ống dẫn nhiệt, sưởi ấm cho gia cầm. Tuy nhiên sau đợt dịch cúm gia cầm, anh chưa sẵn sàng cho việc chăn nuôi trở lại. Anh nói: Gia đình cũng có dự định tái đàn vì cũng lỡ đầu tư chuồng trại rồi, nhưng hiện nay dịch cũng còn nhiều nơi nên dự định ba, bốn tháng nữa mới tái đàn lại.

Trong đợt dịch cúm gia cầm vừa qua, gia đình ông Trần Văn Thảo, thôn Ngọc Tiền, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi có 800 con gà, vịt bị tiêu hủy. Ngay sau khi nhận được 30 triệu đồng hỗ trợ từ phía huyện Ngọc Hồi, ông Thảo đã gầy dựng lại đàn gia cầm. Mặc dù rất băn khoăn, lo lắng dịch cúm gia cầm đi qua chưa lâu, việc tái đàn nếu rủi ro lần nữa sẽ tiếp tục bị thiệt hại, nhưng nghĩ đến nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào đây nên ông đã mạnh dạn tái đàn với 200 con vịt giống.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo từ phía ngành thú y, sau khi khống chế được ổ dịch, ít nhất sau 2 tháng người dân mới nên tái đàn. Trong khi đó, tại các địa phương, mỗi nơi lại có một chủ trương khác nhau trong việc cho phép hay không cho phép người dân tái đàn.

Trong lúc người chăn nuôi trong ổ dịch bị thiệt hại và loay hoay với việc tái đàn, ổn định sản xuất thì những hộ chăn nuôi an toàn, không bị dịch cũng đã và đang chịu ảnh hưởng không nhỏ. Dù dịch đã được khống chế, nhưng người tiêu dùng vẫn chưa hết e ngại tiêu thụ gia cầm sống và các sản phẩm từ gia cầm. Sức mua giảm, thị trường này đang chững lại.

Thời điểm hiện tại, giá trứng tới tay người tiêu dùng do qua nhiều khâu trung gian nên giảm không đáng kể nhưng người chăn nuôi phải bán trứng cho tư thương với giá thành thấp hơn rất nhiều. Trước dịch cúm gia cầm, giá trứng gà bán ra từ 1.900đ đến 2.000đ một quả trứng, còn hiện nay, giá bán chỉ còn khoảng 1.300đ/ quả, trừ chi phí thuốc men và thức ăn cho gia cầm, người chăn nuôi chấp nhận lỗ để duy trì đàn gia cầm. Ông Nguyễn Văn Đông (tổ dân phố 1, Phường Duy Tân, Thành phố Kon Tum) nuôi 4.500 con gà, trong đó 2.500 con đang đẻ trứng và 2.000 con đang giai đoạn chuẩn bị đẻ trứng. Từ sau dịch cúm đến nay, gia đình ông mỗi ngày thiệt hại từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng do giá trứng xuống quá thấp. Ông cho biết khó khăn của người nuôi gia cầm hiện nay và mong muốn: Sau dịch thì người dân chăn nuôi chúng tôi bị ảnh hưởng về kinh tế rất nhiều. Thay mặt những người chăn nuôi cũng mong cộng đồng ủng hộ cho chúng tôi để cái nghề chúng tôi được duy trì và phát triển.

Hiện nay, dù các ổ dịch đã được khống chế nhưng Công điện 04 của UBND tỉnh ban hành 12/2/2014 vẫn đang còn hiệu lực. Theo công điện này, các xã, phường có dịch lập các chốt kiểm dịch tránh tình trạng vận chuyển gia cầm đi nơi khác tiêu thụ. Các huyện tiếp giáp biên giới như Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đăk Glei phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ việc mua, bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua cửa khẩu và các đường biên giới. Như vậy, vô hình trung, đã làm khó cho người chăn nuôi trong vùng có ổ dịch và vùng lân cận. Điều ngược lại, toàn bộ con giống gia cầm chăn nuôi tại tỉnh đều được nhập từ các địa phương khác. Để có thể tái đàn, ổn định sản xuất trong lúc này, theo quy định, người chăn nuôi buộc phải mua con giống từ nhiều nguồn khác nhau, không đảm bảo chất lượng.

Việc nhanh chóng dập tắt các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng thời gian qua không chỉ là nỗ lực của ngành thú y, cơ quan chức năng mà còn thể hiện ý thức, kinh nghiệm, kiến thức của người chăn nuôi trong việc phòng trừ dịch bệnh đã được nâng cao. Tuy nhiên, sau hỗ trợ, điều mà người chăn nuôi cần lúc này là tỉnh sớm có cơ chế, chính sách về cân đối cung cầu, định hướng thị trường cụ thể hơn để người chăn nuôi trực tiếp yên tâm phát triển kinh tế.

Linh Thủy – Thanh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *