(kontumtv.vn) – Sau gần 7 tháng thực hiện, mô hình nuôi cá lồng bè do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh triển khai tại xã Đăk Nên, huyện Kon Plông đã đạt kết quả rất khả quan, mở ra hướng sản xuất mới cho bà con vùng ngập lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh.

Sau khi tích nước để phục vụ cho sản xuất điện của thủy điện Đăk Đrinh, hai xã Đăk Nên và Đăk Ring của huyện Kon Plông có trên 330 ha đất bị ngập lòng hồ. Cùng với đó, khí hậu nhiệt đới gió mùa và ít biến động đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nuôi cá lòng hồ tại khu vực này.

Lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh
Lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh

Mô hình được triển khai trên 4 lồng nuôi cá với sự tham gia của 4 hộ dân. Trong đó, 2 lồng bè nuôi cá diêu hồng và 2 lồng bè nuôi cá rô phi. Tham gia mô hình, các hộ dân được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 100% chi phí giống, thức ăn, thuốc, hóa chất phòng trị bệnh và được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cho cá lồng bè. Sau 7 tháng thả nuôi, cá diêu hồng và cá rô phi sinh trưởng tốt, đạt trọng lượng trung bình trên 500gram / 1 con, tỉ lệ cá sống đạt 72%. Ông Nguyễn Nghĩa Phúc, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên ghi nhận: “ Hiện nay mô hình nuôi cá lồng bè trên địa bàn xã Đăk Nên phát triển rất tốt, phù hợp với khí hậu và với nguồn nước, trọng lượng cá phát triển rất cao”.

“Trong quá trình nuôi, cán bộ Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh thường xuyên theo dõi và chỉ đạo mô hình, chúng tôi đặt khâu vệ sinh lên hàng đầu, thường theo dõi và hướng dẫn các hộ quy trình chà lồng lưới sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, thứ hai là hướng dẫn cho các hộ sử dụng chế phẩm sinh học, các vitamin, khoáng chất trộn với thức ăn cho cá, đồng thời trộn các kháng sinh và các thuốc trị bệnh trên cá. Trong quá trình nuôi cũng có xảy ra dịch bệnh, chúng tôi thường xuyên trực chiến và phối hợp với bà con trị bệnh, cũng như hướng dẫn bà con cách trị bệnh để bà con có thể tự làm trong mùa nuôi tiếp theo”. Anh Đới Văn Cương, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Kon Tum cho biết.

Xét về hiệu quả kinh tế, mỗi lồng bè nuôi cho doanh thu trên 30 triệu đồng, đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho người dân tham gia mô hình. Tuy nhiên, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông khá xa với khu vực trung tâm huyện và các địa bàn đông dân cư nên chi phí vận chuyển để tiêu thụ số cá này khá cao, dễ dẫn đến tình trạng tư thương ép giá. Để nhân rộng mô hình nuôi cá này trong thời gian đến, rất cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *