(kontumtv.vn) – Được biết đến như là “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên, Măng Đen không chỉ là thiên đường của các loại rau, hoa xứ lạnh mà nơi đây còn phù hợp với việc phát triển các loại nấm, mở ra ngành nghề mới cho mảnh đất giàu tiềm năng này.

nam

Mô hình trồng nấm đam lại hiệu quả kinh tế tại Măng Đen.

Đang là người trồng nấm chuyên nghiệp ở Lâm Đồng, công việc rất ổn định nhưng anh Nguyễn Xuân Trường vẫn quyết tâm đưa vợ con đến Măng Đen lập nghiệp. Kì thực, tại thời điểm anh Trường lên Măng Đen, chưa ai thử trồng nấm ở đây. Vẫn biết khí hậu, thổ nhưỡng của mảnh đất này rất thuận lợi để phát triển các loại rau, hoa xứ lạnh, thế nhưng đưa cây nấm lên đây là hết sức mới mẽ. Tham gia trồng nấm với anh Trường, còn có các thành viên cùng quê Lâm Đồng với anh, họ đã thành lập HTX Măng Đen trồng nấm. Cơ sở trồng nấm là những dãy nhà bạt được dựng tạm vội vàng bằng những vật liệu sẵn có dưới tán rừng.  Anh Trường tâm sự: Qua tìm hiểu trên internet và thực tế khi qua bên này rồi tôi thấy khí hậu ở đây rất đạt, cái nghề nấm chỉ cần nhiệt độ khoảng 18-32 độ là  phát triển được. Chúng tôi chọn Măng Đen là thích hợp nhất để phát triển nấm mèo, nấm sò là hai nấm đặc trưng, còn nấm linh chi cũng phát triển được nhưng ở đây lạnh, năng suất không đạt.

Với khí hậu Măng Đen, sẽ mất khoảng 90 ngày từ lúc đưa meo vào bịch cho đến lúc thu hoạch. Những tai nấm dày, to gần bằng bàn tay cho thấy nấm mèo trồng tại đây phát triển rất tốt, cho năng suất cao hơn khoảng 25% so với trồng ở Lâm Đồng, đã đem đến thắng lợi lớn trong lứa nấm đầu tiên cho HTX. Tiếp nối thành công, lứa nấm thứ 2, thứ 3 cũng mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho những người trồng nấm nơi đây.

Thôn Tu Rằng thuộc xã Măng Cành có 37 hộ tái định cư được huyện Kon Plông lựa chọn từ những hộ có điều kiện về kinh tế, có tay nghề sản xuất giỏi ở nhiều tỉnh kêu gọi về đây lập nghiệp và được kì vọng sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển nghề trồng rau, hoa xứ lạnh. Bởi thế, khi HTX Nấm Măng Đen ra đời với những lứa nấm đầu tiên cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, đã trở thành điểm tham quan của các phòng, ban chuyên môn và nhiều người dân trên địa bàn tỉnh. Đây không chỉ là mô hình mới, ngành nghề mới mà còn cho thấy, vùng đất lạnh Măng Đen còn rất nhiều tiềm năng chưa được đánh thức. HTX Nấm Măng Đen đã được huyện Kon PLông đánh giá cao và khuyến khích phát triển, nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.

Quê ở tận An Giang nhưng nắm bắt thông tin về chính sách thu hút nguồn lao động của huyện Kon Plông, bà Trần Thị Sợi cùng với gia đình đến Măng Đen lập nghiệp. Đến nơi ở mới chưa bao lâu bà đã bắt tay vào trồng thử nghiệm đủ loại cây trồng, khi biết nghề trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế, lại được tỉnh và huyện hỗ trợ tiền giống, bà làm trại trồng nấm. Với khoảng 2.000 bịch nấm sò, sau khoảng 30 ngày treo giàn, đã có nấm thu hoạch, mỗi ngày bà thu khoảng 200.000 ngàn đồng, số tiền cũng tạm đủ để gia đình trang trải mọi sinh hoạt trong những tháng ngày kiến thiết sự nghiệp trên mảnh đất này.

Gia đình bà Sợi hiện đã bắt đầu phát triển nghề hoa và tới đây sẽ mở rộng nghề trồng nấm – 1 nghề rất mới mẽ nhưng gia đình quyết tâm đầu tư vốn để làm.

Thực tế, nghề trồng nấm không xa lạ với người dân trên địa bàn tỉnh, song không nơi nào có được lợi thế như ở Kon Plông, nhờ thời tiết, khí hậu phù hợp,  đã mang lại năng suất cao. Nấm mèo Măng Đen hiện đang rất hút hàng, nấm sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Tuy nhiên, bài toán về đầu ra cho sản phẩm nấm nếu không được tính toán kỹ càng, thương hiệu nấm không được xây dựng một khi nghề trồng nấm ở Măng Đen phát triển đại trà sẽ rất khó khăn cho người sản xuất. Anh Trịnh Văn Quý, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kon Plông cho biết: Thời gian tới huyện sẽ có chủ trương quảng bá sản phẩm. Muốn  khởi nghiệp ban đầu thì phải bỏ ra 1 số tiền maketting để giới thiệu sản phẩm, vì đa số các sản phẩm của Măng Đen như hoa, nấm, các loại  đang bị ép giá. Như nấm mèo ở Lâm Đồng đưa lên Kon Tum bán, giá vẫn cao hơn nấm mèo ở đây mình đưa xuống, cũng cần có 1 quá trình để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Măng Đen là mảnh đất đầy tiềm năng, điều này không ai có thể phủ nhận, từ tiềm năng phát triển du lịch đến nuôi trồng các loại rau, hoa, cá nước lạnh. Nhưng đến bây giờ, tiềm năng ấy theo những người đầu tư vào đây ví von là rất chông chênh trong những bước đi đầu. Mong muốn của người trồng nấm nói riêng và các ngành nghề khác nói chung, rất cần sự quan tâm, nâng đỡ đúng lúc và một cơ chế hỗ trợ kịp thời của tỉnh, của huyện để tạo động lực giúp họ phát triển sản xuất vững chắc ở nơi đây, xứng với tiềm năng hiện có của Măng Đen.

 

Như Nguyệt – Xuân Công

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *