(kontumtv.vn) – Thực hiện Nghị quyết 04 ngày 14/6/2007 của Tỉnh ủy Kon Tum khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn, 8 năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hướng dẫn, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã, sự nỗ lực của các địa phương và nhân dân, tình hình đời sống, kinh tế – xã hội, kết cấu hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến đáng kể, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trong tỉnh.

Cũng như nhiều hộ gia đình ở thôn Đăk Ga (xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei), từ ngày có các cán bộ, chiến sĩ bộ đội Đồn Biên phòng Đăk Nhoong, đơn vị kết nghĩa giúp đỡ xã theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi, gia đình anh A Mo đã tích cực làm theo và từng bước ổn định được đời sống. Anh A Mo phấn khởi: “Trước gia đình tôi cũng nghèo, bây giờ nhờ Đồn hỗ trợ được thoát nghèo, được nuôi cá này, sâm dây này, dê, heo này. Gia đình cũng mừng”.

Triển khai các công việc dân vận, giúp dân là việc làm thường xuyên của các đồn biên phòng. Tuy nhiên, từ khi có Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, với sự phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của Ban Chỉ đạo huyện, xã, Đồn Biên phòng Đăk Nhoong đã xây dựng kế hoạch, phân công các đảng viên về sinh hoạt tại khu dân cư, kịp thời nắm bắt, lên kế hoạch giúp đỡ xã, thôn với nhiều việc làm, mô hình có hiệu quả. Thượng tá Kiều Ngọc Dư, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Đăk Nhoong nói: “Trong phát triển kinh tế thì đã cầm tay chỉ việc, đã cho đảng viên kết nghĩa hộ nghèo, hướng dẫn cho bà con từ cách áp dụng khoa học kỹ thuật, chăn nuôi, tăng gia sản xuất, kể cả tính toán việc chi tiêu, làm ăn như thế nào đến từng hộ gia đình. Khi đã được giúp đỡ, phương pháp, cách làm của đơn vị đã làm cho nhân dân chuyển biến nhận thức đáng kể”.

Bộ đội giúp dân phát triển chăn nuôi
Bộ đội giúp dân phát triển chăn nuôi

Ngoài việc vận động, hướng dẫn nhân dân cách thức làm ăn, 8 năm qua, Đồn Biên phòng Đăk Nhoong đã hỗ trợ 15 con bò giống và nhiều giống cây bời lời, sâm dây để giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là góp công, góp của để cùng với xã, thôn sửa chữa nhà rông, bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới tại xã biên giới khó khăn. Ông A Tải, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nhoong cho biết: “Sau khi có Nghị quyết Tỉnh ủy ra, được đỡ đầu đối với xã thì nhìn chung bộ mặt  của xã nói chung và các thôn nói riêng hầu như là mỗi năm mỗi phát triển khá. Đời sống nhân dân ổn định, hiện nay không còn hộ đói, giảm hộ nghèo còn 42,7%”.

Ngoài sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị kết nghĩa, xây dựng xã, thôn, thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp đã đặc biệt ưu tiên và triển khai lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, của ngành và các đơn vị để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, tạo sự chuyển biến đáng kể về mọi mặt đời sống, xã hội tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tại Đăk Côi, một trong những xã trọng điểm đặc biệt khó khăn của huyện Kon Rẫy, những ám ảnh về con đường lầy lội, vất vả nhất huyện đã không còn, đời sống của người dân đã không còn cảnh tự cung, tự cấp như xưa. Ông U Ả, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đăk Kôi nói: “Bây giờ, thấy trong gia đình, trong làng xóm mình thay đổi rất nhiều, bởi vì Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư rất nhiều chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Bây giờ dân thấy cũng rất phấn khởi, tiếp tục lo vấn đề xóa đói giảm nghèo”.

Theo đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, 8 năm qua, tỉnh đã tập trung ưu tiên bố trí 490 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các xã đặc biệt khó khăn; các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã của tỉnh đã huy động sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, người lao động trong đơn vị và lồng ghép các chương trình, dự án đã hỗ trợ, giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn, trị giá gần 30 tỷ đồng để xây dựng một số cơ sở vật chất phục vụ dân sinh tại các thôn, xã. Qua đó đã làm thay đổi đáng kể diện mạo các xã đặc biệt khó khăn, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 57,2% năm 2007 theo tiêu chí cũ xuống còn 34,7% cuối năm 2014 theo tiêu chí mới, trong đó có nhiều xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 30%. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân; văn hoá, xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu quả hơn trước. Đặc biệt đến nay đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy đề ra, mang lại hiệu quả thiết thực cả về kinh tế và tinh thần cho nhân dân các xã đặc biệt khó khăn, góp phần quan trọng trong việc rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trong tỉnh.

                         Quang Mẫn – Duy Phong

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *