(kontumtv.vn) – Hỗ trợ phát triển nông nghiệp là một chính sách rất thiết thực, đặc biệt đối với các tỉnh nghèo, điều kiện phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, tìm ra một giải pháp phù hợp với thực tế để hỗ trợ nhằm tránh lãng phí là một chính sách rất đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

htcs

Nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp giúp người nông dân xóa đói, giảm nghèo.

Đây là năm đầu tiên vườn cao su của anh A Men ở thôn 9, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà cho những dòng nhựa trắng qua bao năm chờ đợi, thắp lên một hy vọng, cái nghèo sẽ không tồn tại trong cuộc sống gia đình anh. Anh cho biết, từ khi tách hộ năm 2000, cũng là lúc 3 đứa con của anh dần dần đến tuổi tới trường, một mình anh với những đồng lương công nhân cao su không thể cáng đáng được cuộc sống gia đình. Nhờ hỗ trợ từ chương trình cao su Nhà nước và nhân dân cùng làm từ năm 2007, gia đình anh đã phát triển được gần 2ha cao su.

Còn bà con nông dân huyện Kon Rẫy thì được hỗ trợ phát triển mô hình ngô lai LVN 61 chịu hạn. Mô hình được triển khai tại 3 xã Đăk Ruồng, Tân Lập và Đăk Tơ Lung, với quy mô 20 ha trong một vụ, trong đó có 10 ha thâm canh cây ngô và 10 ha trồng xen canh với đậu đen. Mỗi hộ tham gia mô hình, ngoài việc được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thâm canh ngô còn được hỗ trợ 100% giống và 50% phân bón để chăm sóc vườn cây. Đến nay, mô hình đã triển khai được 4 vụ, với tổng diện tích 80 ha, cho 80 hộ dân tham gia.

Xác định thế mạnh của từng vùng để chuyển đổi cây trồng là việc làm thường xuyên mà các cấp ngành, địa phương luôn hướng tới. Cây cà phê chè ở Đăk Glei là một điển hình, với những thử nghiệm ban đầu từ năm 1996, đến nay toàn huyện đã có hàng trăm hec ta và đang có chiều hướng tăng lên, đồng thời được xác định là cây chủ lực để phát triển kinh tế các xã phía Đông của huyện.

 Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Glei cho biết: Đến nay cây cà phê chè ở Đăk Glei đã có gần 800 ha. Qua đánh giá của huyện, đây là loại cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả cao trên địa bàn.

Với những thành công bước đầu trong thời gian qua, cây cà phê xứ lạnh sẽ là một hứa hẹn tốt đẹp cho các xã vùng Đông Trường Sơn của 3 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông, khi chủng mới TN1, TN2 giống cà phê chè Catimor có năng xuất cao được đưa vào áp dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ trồng cao su tiểu điền cũng đã được triển khai có hiệu quả, và đã có rất nhiều hội thảo, tập huấn chuyển đổi, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong năm qua.

 Ông Trần Văn Chương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong năm qua, các chương trình đã đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con về trồng chăm sóc cây cao su, cà phê. Ngoài ra trong đề án cao su tiểu điền, ngành đã tham mưu, tổ chức chỉ đạo cấp giống cho các hộ nghèo để trồng cao su. Riêng đề án cao su tiểu điền đã thực hiện được hơn 800 ha và cũng đã hỗ trợ vật tư phân bón, trồng mới từ năm ngoái đến năm nay để tạo điều kiện cho các hộ nghèo trồng cao su đúng theo kế hoạch  đã ban hành.

Ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp nhằm tìm tòi, sản xuất, đưa ra ra nhiều loại giống có hiệu quả hơn cho nông dân. Trước mắt trong năm 2014  ngành chỉ đạo Trung tâm khuyến nông rà soát lại những diện tích ruộng thiếu nước, bị hạn sẽ chuyển đổi sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao và ít sử dụng nước tưới nhất, như các giống ngô cao sản, đậu tương và một số giống khác .

 Những kết quả mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn làm được trong thời gian qua đã góp một phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao cuộc sống cho người dân. Song còn cần lắm những chính sách thiết thực để  nông nghiệp tiến kịp lộ trình xây dựng nông thôn mới .

                                                                            Duy Phong – Quang Mẫn 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *