(kontumtv.vn) – Hỗ trợ sinh kế là một trong 6 chương  trình trợ giúp người khuyết tật được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện từ năm 2008 đến nay. Bằng sự giúp đỡ thiết thực, cụ thể, chương trình đã giúp cho hàng nghìn người khuyết tật có điều kiện phát triển kinh tế, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng  Phú, chị Lê Thị Thảo (tổ 9, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) đều bị khuyết tật bẩm sinh đôi chân. Chị Thảo không đi lại được nên mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào số tiền làm thuê hàng ngày của anh Phú. Từ khi được Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh hỗ trợ làm nhà xưởng, anh Phú đã có chỗ  để làm nghề sắt. Cuộc sống của gia đình anh đã ổn định hơn trước, có ngôi nhà riêng được xây kiên cố.Anh Phú kể: “Năm 2012 được Hội hỗ trợ 30 triệu đồng, trong nhà rồi anh em bạn bè ủng hộ thêm để mình có được cái nhà như hôm nay. Nếu không có sự hỗ trợ đó thì cũng không biết khi nào có được cái nhà như thế này.  Bây giờ nhìn thấy cái nhà là thấy hạnh phúc lắm”.

Năm 2012, các em mồ côi, bị khuyết tật tại Mái ấm Vinh Sơn 2, thành phố Kon Tum đã được Hội Bảo trợ NKT & TMC tỉnh hỗ trợ cho đi học nghề may và mua sắm dụng cụ, bàn máy may. Sau khi học xong nghề, các em đã tự kiếm sống bằng  công việc này. Em A Thish, Mái ấm Vinh Sơn 2 phấn khởi: “Em học may 18 tháng, em cũng được hỗ trợ mua được máy may, trước kia chưa có nghề thì em cũng buồn vì không biết làm gì để kiếm công việc để mà sống. Giờ thì em may được nhiều đồ, em cũng thấy vui vì có thể tự nuôi sống được bản thân”.

Trao bò sinh sản cho người khuyết tật
Trao bò sinh sản cho người khuyết tật

Từ năm 2008 đến nay, Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh đã vận động được hơn 15 tỷ đồng, tập trung triển khai 6 chương trình trợ giúp cho người khuyết tật. Trong đó, tập trung phần lớn kinh phí cho chương trình hỗ trợ sinh kế với 4 hình thức thiết thực, cụ thể  là dạy nghề và hỗ trợ công cụ làm nghề, làm nhà xưởng, hỗ trợ phương tiện để người khuyết tật buôn bán, tăng thu nhập, hỗ trợ con giống sản xuất. Ông Nguyễn Công Khóa, Ủy viên Thường trực Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh cho biết: “Chương trình sinh kế  phù hợp với phong tục tập quán và điều kiện kinh tế của địa phương, đó là tạo cho người khuyết tật nguồn vốn, từ nguồn vốn đó họ phát triển sản xuất, chăn nuôi rồi làm nghề. Từ đó sẽ cải thiện đời sống cho họ, nhiều người khuyết tật đã thoát nghèo”.

Trong 4 hình thức trợ giúp người khuyết tật đang được Hội triển khai thực hiện, hình thức hỗ trợ con giống đã đem lại hiệu quả cao. Chính vì vậy, Hội xác định trong thời gian tới, sẽ tập trung nguồn vốn để tiếp tục hỗ trợ bò sinh dản cho người khyết tật chăn nuôi, phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Công Khóa nói: “Chúng tôi sẽ chon lọc chương trình nào phù hợp nhất, thiết thực nhất thì chúng tôi sẽ hỗ trợ. Hiện nay nguồn xe lăn xe lắc ở địa bàn chúng ta đã cơ bản ổn rồi thì chúng tôi sẽ tập trung sinh kế. Giao một con bò sau 5 năm thì chúng tôi sẽ lấy lại một con bò giao cho xã để chuyển cho một người khuyết tật khác, thì như vậy khoảng 10 năm chúng tôi sẽ có hàng nghìn con bò cho người khuyết tật và trẻ mồ côi trên địa bàn toàn tỉnh”.

Có thể nhận thấy, chương trình hỗ trợ sinh kế đã giúp cho một bộ phận người khuyết tật trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế, tự kiếm sống bằng sức lao động của chính mình. Đây chính là yếu tố quan trọng, giúp họ  xóa bỏ tự ti, mặc cảm hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

                                                                              Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *