(kontumtv.vn) – Trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (từ ngày 20 đến 25/10), Đoàn  Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã có nhiều hoạt động tích cực, tham gia nhiều ý kiến thảo luận, xây dựng các văn bản luật, các báo cáo, tờ trình thông qua tại kỳ họp.

Trong tuần đầu tiên, Quốc hội đã có 10 phiên làm việc ở hội trường để nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các thành viên Chính phủ thông qua 36 báo cáo, tờ trình. Quốc hội cũng tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của 4 Dự thảo Luật: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng…

 Đối với Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám đã tham gia 5 ý kiến về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; về lấy phiếu tín nhiệm; vị trí và chức năng của Đoàn Đại biểu Quốc hội; thiết lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội và xem xét lại quy định Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính. Theo đại biểu, Dự thảo lần này quy định ở Khoản 1, Điều 43 “Đoàn Đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Đây là một bước chuyển biến quan trọng trong tư duy về vị trí của Đoàn Đại biểu Quốc hội vốn lỏng lẻo và không rõ ràng đến thừa nhận là một tổ chức, như thế vị trí của Đoàn Đại biểu Quốc hội được rõ ràng hơn. Đã thừa nhận là một tổ chức thì nên trao cho Đoàn Đại biểu Quốc hội chức năng giám sát. Trên thực tế, lâu nay các Đoàn Đại biểu Quốc hội đã và đang thực hiện việc giám sát có hiệu quả. Mặt khác, tại Khoản 2, Điều 3 ghi nhận hiệu quả hoạt động của Quốc hội được đảm bảo bởi các hoạt động, trong đó có hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội. Bởi vậy, việc bổ sung chức năng giám sát cho Đoàn Đại biểu Quốc hội là cần thiết.

Đối với Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám đã tham gia 4 ý kiến vào Dự thảo Luật về giải thích từ ngữ đối với “nhà ở”; bổ sung trường hợp “để phát triển kinh tế – xã hội” vào Khoản 2, Điều 5; về phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư và bổ sung người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Theo đại biểu, về phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư (quy định ở Mục 4, Chương II), thì thứ nhất, các quy định ở mục này từ Điều 35 đến Điều 41 Dự thảo quy định rõ các vấn đề về nhà tái định cư, nhưng mới là các quy định thuộc về nguyên tắc, trách nhiệm, quyền của cơ quan Nhà nước và chủ đầu tư. Chưa có quy định nào nhằm tạo điều kiện, cơ sở pháp lý cho người dân được tham gia vào quá trình quy hoạch xây dựng nhà ở tái định cư. Đề nghị cần có những quy định này để tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình này, nhất là những dự án nhà ở tái định cư ở nông thôn, miền núi, Tây nguyên khi phải di dời để thực hiện các dự án của Nhà nước. Thực tế cho thấy nhiều dự án tái định cư ở nông thôn, miền núi, nhất là miền núi Tây nguyên người dân chưa được tham gia đầy đủ, nên khi đưa vào sử dụng đã xảy ra những vấn đề như không phù hợp với điều kiện ăn ở, sản xuất, phong tục tập quán của người dân, phát sinh nhiều vấn đề như thắc mắc, kiến nghị, khiếu nại, thậm chí là không ở. Thực trạng đó đã làm giảm hiệu quả cũng như ý nghĩa của công tác tái định cư. Thứ hai, tại Điều 35 nguyên tắc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư và Điều 39 loại và tiêu chuẩn diện tích nhà ở, cần bổ sung để luật hóa quan điểm của Đảng là khi thực hiện tái định cư phải đảm bảo điều kiện tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Đồng thời quy định thêm những yêu cầu về đảm bảo, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Với quy định như trong Dự thảo về phong tục tập quán của từng dân tộc là chưa đủ và chưa bao quát hết các vấn đề về văn hóa trong nhà ở cũng như trong các thiết chế văn hóa của đồng bào. Nếu thiếu những quy định như vậy thì e rằng sẽ dẫn đến tình trạng nhà tái định cư tới thì nét văn hóa của đồng bào giảm hoặc mất đi.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cũng đã tham gia 2 phiên thảo luận ở Tổ cùng với  3 Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nam, Thừa Thiên Huế và Yên Bái đối với các nội dung: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; Dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015. Tại các phiên thảo luận này, 03 đại biểu tỉnh Kon Tum: Y Mửi, Tô Văn Tám và Võ Trọng Việt đã tham gia 03 lượt phát biểu với 14 ý kiến về đầu tư cho doanh nghiệp, định hướng chiến lược đầu vào và đầu ra cho ngành nông nghiệp, công tác quản lý tài nguyên, chính sách đối với cán bộ, công chức, rà soát lại tiêu chí nghề, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng quá tải ở các bệnh viện, về công tác giảm nghèo, giá sản phẩm cao su…

CTV Hồ Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *