(kontumtv.vn) – Trong tuần thứ hai, kỳ họp lần thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã tham gia các ý kiến thảo luận về kinh tế- xã hội, đề xuất chính sách phát triển cho các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; về Dự thảo Luật Hộ tịch và một số nội dung khác.

Trong tuần làm việc thứ hai (từ ngày 27/10 đến 01/11/2014) Quốc hội làm việc ở hội trường để nghe các báo cáo, tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng;… Tiến hành thảo luận 5 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Đồng thời thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015; việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng…

Đại biểu Y Mửi – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã phát biểu tham gia ý kiến thảo luận về kinh tế – xã hội tại hội trường, nội dung về chính sách đặc thù để thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững; cần tăng định mức bảo trì đường tuần tra biên giới đất liền để đảm bảo công tác quản lý, khai thác và duy tu bảo dưỡng; đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm cùng với tỉnh Kon Tum tổ chức triển khai thực hiện các ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của  Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo đà cho Kon Tum phát triển tốt hơn.

Theo đại biểu Y Mửi, hiện tại cây công nghiệp và rừng vẫn là thế mạnh của miền núi, Tây Nguyên và của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đất này. Thực hiện chủ trương phát triển diện tích cây công nghiệp như cao su, cà phê…, Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng đã tập trung ­ưu tiên các quỹ đất để phát triển trồng cây cao su, cà phê,… Bên cạnh công tác chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác, phân bón, kỹ thuật khai thác, đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su, cà phê, nhờ đó làm cho diện tích, năng suất và sản lượng cây trồng không ngừng tăng lên. Trong đó loại hình kinh tế trồng cây cao su cũng phát triển đa dạng như loại hình cao su doanh nghiệp, nông trường có sự liên kết với nông dân, loại hình cao su, cà phê hộ gia đình, trang trại. Sự phát triển nhanh cây cao su, cà phê đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn, đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Tuy nhiên giá cả bấp bênh, thời gian gần đây giá mủ cao su liên tục giảm, tính đến 6 tháng đầu năm 2014 giảm 35% so với cùng kỳ năm 2013, đời sống người dân trồng cao su hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo, không có việc làm, ảnh hưởng không ít đến chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Việc đẩy mạnh chủ trương xã hội hoá nghề rừng để rừng có chủ thực sự và phát huy tiềm năng, lợi thế về rừng thông qua công tác giao đất, giao rừng, cho thuê rừng cho các tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân. Tuy nhiên, các quy định hiện hành về cơ chế tài chính đối với việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng và cơ chế hưởng lợi của người được nhận đất, nhận rừng không còn phù hợp với thời điểm hiện nay,  như chưa quy định quyền hưởng lợi của cộng đồng khi được giao đất, giao rừng; hộ gia đình, cá nhân nhận đất, nhận rừng chủ yếu là hộ có đời sống khó khăn, trong khi đó chu kỳ kinh doanh rừng kéo dài, nhà máy chế biến sản phẩm từ rừng không có hoặc đầu tư chậm, thậm chí có nhà máy rồi nhưng đầu tư dang dở như Nhà máy Bột giấy tỉnh Kon Tum đến nay vẫn chưa xong v.v.. vì thế đồng bào khó khăn trong trồng rừng và chưa sống thật sự dựa vào rừng.

Bởi vậy các chính sách đặc thù cần tập trung vào các vấn đề như rà soát, điều chỉnh một số chế độ, chính sách; rà soát, điều chỉnh một số quy hoạch; đảm bảo giống có năng suất, chất lượng, khuyến nông, cơ chế tài chính hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, doanh nghiệp trồng cao su như mua bảo hiểm vườn cây; chính sách vay vốn lãi suất thấp trong thời gian kiến thiết cơ bản vườn cây. Tổ chức thực hiện liên kết hợp đồng thu mua sản phẩm theo giá bảo hiểm ngay đầu vụ giữa doanh nghiệp và hộ trồng cao su, cà phê,… Gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, sản xuất với chế biến, đặc biệt là chế biến sản phẩm cây công nghiệp, sản phẩm rừng v.v… Các chính sách như vậy cần sớm được ban hành.

Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tại hội trường tham gia 4 ý kiến vào Dự thảo Luật Hộ tịch, về nguyên tắc đăng ký hộ tịch, cấp giấy khai sinh; về lệ phí hộ tịch và các hành vi bị cấm. Về lệ phí hộ tịch quy định ở Điều 11, có việc miễn lệ phí đăng ký các việc hộ tịch cho người nghèo. Theo đại biểu Tô Văn Tám, đối tượng cận nghèo cũng cần quan tâm. Các chính sách pháp luật đã và đang có những quy định quan tâm cho cả hai đối tượng này như trong sản xuất, y tế, giáo dục v.v… Do vậy Luật này cũng cần quan tâm cho cả hai đối tượng, đề nghị bổ sung quy định giảm lệ phí đăng ký các việc hộ tịch cho người cận nghèo.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã tham gia 01 buổi thảo luận tổ cùng với các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Hà Nam và Thừa Thiên Huế đối với các Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và Dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Các đại biểu Y Mửi, Tô Văn Tám và Nguyễn Vinh Hà đã phát biểu tham gia 14 ý kiến vào 2 Dự án luật này…

                                                                              CTV Hồ Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *